Tại hội thảo “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam-Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn tổ chức sáng 11/6, các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy khát vọng, tạo sức mạnh tinh thần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng;

Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, giới chuyên gia đã chỉ ra rằng “chuyển đổi số trước, lợi ích sẽ đến sau”. Việc cần làm là đề ra những hướng đi.

“Chúng tôi quán triệt mô hình là cơ quan báo chí công nghệ. Con đường để đến với mục tiêu này khá là dài. Các cơ quan báo chí trên thế giới hiện xây dựng công nghệ rất mạnh để trở thành cơ quan báo chí công nghệ và ngược lại, các tập đoàn công nghệ sẽ đầu tư vào nội dung để trở thành các tập đoàn công nghệ truyền thông. Bây giờ chúng ta không chỉ chạy theo số lượng người xem mà phải khiến cho họ ngồi lại với sản phẩm của chúng ta lâu hơn”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.

Theo nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now, Đài Truyền hình VTC, bài toán chuyển đổi số không có mô hình chung, mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau, tài chính khác nhau. Nếu bắt chước mô hình của đơn vị khác hoặc nước ngoài sẽ gây ra sự khập khiễng. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần xác định mục tiêu để có bài toán phù hợp với nguồn lực và nhân lực của mỗi báo. Đồng thời, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ nhà báo, phóng viên.

“Đối với những anh em quay phim hay kỹ thuật, khi tôi áp đặt rằng, các anh bỏ chiếc máy quay cồng kềnh và tìm cách nào đó ghi hình bằng điện thoại thông minh hoặc camera IP, thay vì cách cồng kềnh, cũ kỹ nữa. Nhưng tôi nhận được phản ứng của họ rằng, họ được học bài bản quay phim, tốt nghiệp trường điện ảnh chứ không phải quay bằng điện thoại. Đấy là điều mà khiến tôi suy nghĩ, thay đổi tư duy là cả một quá trình chứ không thể ngay lập tức”, nhà báo Nguyễn Lê Tân bày tỏ./.