Chủ động ứng phó với bão trên biển và đất liền
Phóng viên Minh Long/VOV1 cho biết, tại cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp ứng phó bão số 5 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án cứu hộ cứu nạn trên biển và trên đất liền.
Nhận định tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, trước khi đi vào Biển Đông, bão số 5 đã gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở hạ tầng ở Philippines.
Đây là cơn bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đến thời điểm này, lực lượng biên phòng tuyến biển phối hợp với các địa phương và gia đình các chủ tàu thuyền đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 71.500 tàu, thuyền với khoảng 350.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú.
Trên biển hiện vẫn còn 450 tàu thuyền đang hoạt động, chủ yếu là tàu, thuyền của ngư dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định và tập trung nhiều ở khu vực quần đảo Hoàng Sa - nơi dự báo tâm bão số 5 sẽ đi qua. Lực lượng biên phòng tuyến biển sẽ bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ, khẩn trương di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Lưu ý về công tác dự báo, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho rằng: “Rút kinh nghiệm phòng chống bão Chan Chu, đề nghị dự báo sớm và chính xác về hướng di chuyển của bão để hướng dẫn ngư dân. Đề nghị Ban chỉ huy quân sự ở các tỉnh miền núi phía Bắc phối hợp với các địa phương rà soát di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở cao”.
Đối với 450 tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu lực lượng biên phòng tuyến biển phối hợp chặt chẽ với các địa phương thường xuyên giữ liên lạc, nhanh chóng hướng dẫn các phương tiện thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng các phương án cứu hộ cứu nạn khi tình huống xấu xảy ra, không để lặp lại tình trạng như năm 2020 trong bão số 9 đã có 2 tàu với 23 ngư dân mất tích do chủ quan với bão, di chuyển chậm khi trú tránh.
Trên đất liền, cùng với mưa lũ diễn ra những ngày qua ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, nếu cộng dồn thêm mưa lớn của bão số 5 sẽ gia tăng thêm nguy cơ của thiên tai về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, cần chủ động kịch bản sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm, nhất là sơ tán dân tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, nhất là ở khu vực Vùng đỏ hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía Bộ Y tế.
“Trên biển sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn tránh tình trạng khi có tình huống xảy ra lực lượng khó điều động đến nhưng nơi thiên tai đang diễn ra, nhất là khu vực cửa sông, cửa biển, như năm ngoái về sau phải điều động máy bay trực thăng ra ứng cứu. Ở khu vực miền núi cũng phải tính đến việc đảm bảo an toàn trong cứu hộ cứu nạn tìm kiếm người mất tích nhưng cũng phải đảm bảo cho cả lực lượng cứu hộ. Với địa hình dễ bị chia cắt ở miền núi phải có phương án cụ thể, chi tiết để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu”, ông Hoài nhấn mạnh.
Mưa to ở miền núi Bắc Trung Bộ, kêu gọi tàu thuyền tránh bão số 5
Theo nhóm PV/VOV - miền Trung, do ảnh hưởng của bão số 5, từ tối qua đến sáng 9/9, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa to, một số nơi tại huyện miền núi tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị xuất hiện lũ gây ngập chia cắt các ngầm tràn gây. Các địa phương đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 5.
Tại tỉnh Quảng Bình và khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị có mưa to. Một số sông suối khu vực miền núi huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nước lũ dâng gây ngập và chia cắt ngầm tràn. Quốc lộ 9C từ huyện Lệ Thủy đi Cửa khẩu Chút Mút bị sạt lở tại km 33 làm ảnh hưởng đến việc lưu thông.
Mưa lớn tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị gây sạt lở, cuốn trôi hệ thống cống đập tràn Sê Pu tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập. Các đoạn đường qua 4 thôn Sê Pu, Cù Bai, Tri, Cuôi thuộc xã Hướng Lập lại đứt đoạn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Hướng Lập phối hợp với chính quyền bố trí lực lượng cảnh giới không cho người qua để đảm bảo an toàn; đồng thời khắc phục tạm để nhân dân đi lại. Mưa to cộng với gió mạnh làm nhiều diện tích lúa tại huyện Vĩnh Linh bị ngã đổ, ngập úng hư hại.
Ông Lê Chí Công, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Trị cho biết: “Một số công trình ở miền núi hư hỏng trong đợt mưa lũ năm ngoái chưa khắc phục xong nay trời mưa nên cuốn trôi. Hiện toàn bộ các công trình hồ chứa, đê kè sạt lở thi công đã xong các hạng mục đảm bảo an toàn vượt lũ trong mùa mưa bão”.
Các địa phương Bắc Trung bộ cũng đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão số 5. Đến sáng nay, tỉnh Quảng Trị còn 82 tàu thuyền với 722 thuyền viên đang hoạt động trên biển, chủ yếu tại khu vực đảo Cồn Cỏ, vùng biển Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ. Hầu hết các chủ phương tiện đánh bắt trên biển đã nhận được thông tin hướng di chuyển của bão và tìm cách vào bờ tránh bão.
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Bình còn 199 phương tiện với hơn 1.400 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung và ven bờ Quảng Bình. Các phương tiện đã nắm được thông tin bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến nay, đã có hơn 6.400 phương tiện vào neo đậu tại bến, cảng đảm bảo, lực lượng chức năng tiếp tục làm công tác sắp xếp tàu thuyền vào neo đậu tránh trú, thực hiện phòng chống dịch Covid-19.
Trung tá Hồ Đức Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới cho biết, hiện nay các tàu thuyền đang vào khu neo đậu tránh trú dọc sông Nhật Lệ và một số tàu thuyền nhỏ đã được kéo lên bờ; Bộ đội Biên phòng Quảng Bình duy trì kíp trực, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
“Địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16 nên việc di chuyển tàu thuyền về nơi neo đậu tránh trú phải có phương án an toàn. Hiện tại có một số chủ tàu là F0, F1 đang đi điều trị, cách ly nên phải có lực lượng hỗ trợ chuyển số tàu này về nơi neo đậu, các thuyền trưởng di chuyển tàu đi neo đậu thì cũng có kết quả xét nghiệm âm tính, tuyên truyền cho bà con thực hiện 5K trong quá trình vào khu neo đậu”, Trung tá Hồ Đức Minh chia sẻ.
Thanh Hoá sẵn sàng di dời hơn 4.000 hộ dân vùng nguy cơ cao sạt lở
Theo phóng viên Sỹ Đức/VOV1, tại 9/11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng 4.300 hộ đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Điển hình như huyện Quan Hoá khoảng 900 hộ; Quan Sơn 800 hộ; Mường Lát 700 hộ…
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, địa phương đang theo dõi tình hình và lên phương án, sẵn sàng di chuyển dân.
"Chúng tôi đã họp ban chỉ đạo và chỉ đạo anh em đi cơ sở rà soát lại lần cuối các hộ nguy cơ chủ động sơ tán. Các xã phân công nhiệm vụ đến các bản và theo thông tin báo cáo lại, các xã đang ổn định. Chúng tôi đang chuẩn bị họp để quán triệt tinh thần của tỉnh là căn cứ tình hình sơ tán số hộ dân có nguy cơ cao đến nơi an toàn trước 18h ngày 10/9", ông Bình thông tin.
Mưa lớn đã khiến nước trên các sông dâng cao. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá phát lệnh báo động I trên sông Yên, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương chủ động, bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven biển, bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. Các đơn vị, địa phương sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Đặc biệt triển khai ngay việc rà soát phương án sơ tán, di dân tập trung đảm ảo an toàn 2 mục tiêu phòng, chống thiên tai và dịch Covid-19 cho người dân, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.
Quảng Ngãi kiểm soát chặt phòng dịch khu vực ven biển
Phóng viên Vinh Thông/VOV-miền Trung cho biết, tại tỉnh Quảng Ngãi, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khu vực ven biển chưa rõ nguồn lây. Trước thực tế này, tỉnh Quảng Ngãi tập trung khống chế dịch bệnh, kiểm soát chặt người và phương tiện trong khu vực phong toả ven biển.
Sau hơn một tuần phong toả, tại xã ven biển Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi phát hiện gần 70 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc với khoảng 4.700 hộ dân, hơn 19.400 nhân khẩu. Nhà cửa san sát nhau, kiệt hẻm nhỏ hẹp, nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng rất cao.
Ông Lê Văn Trung, cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi cho biết, chính quyền địa phương và ngành y tế tăng cường kiểm soát, hạn chế lây chéo trong khu phong toả.
“Trung tâm Y tế thành phố triển khai xét nghiệm toàn dân truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Chúng tôi tăng cường công tác giám sát, đảm bảo công tác y tế trong khu cách ly, phong toả, đảm bảo chăm sóc y tế cho cộng đồng. Chúng tôi cũng đã khử khuẩn tất cả các hộ dân nằm trong khu vực phong toả xã Nghĩa An”, ông Lê Văn Trung thông tin.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại khu vực ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng kiểm soát chặt ngư dân ở các vùng biển trở về cập bờ tại các cảng cá, các bến, vũng neo đậu. Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát phương tiện, ngư dân đi đánh bắt thủy sản thông qua thiết bị giám sát hành trình, từ lúc rời cảng đến khi về, đồng thời có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới giải quyết cho lên bờ.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi người dân chung tay phòng, chống dịch.
“Mỗi người dân phải thể hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội, chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo của chính quyền và chỉ đạo của cơ quan chức năng. Đặc biệt người dân không được trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền, lén lút từ các vùng biển khác về địa phương không qua kiểm soát làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tỉnh Quảng Ngãi không nhẹ tay đối với những trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, để lây lan dịch trong cộng đồng”, ông Đặng Văn Minh chia sẻ./.