Sáng 2/12, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hội nghị có sự tham gia của 30 điểm cầu trực tuyến từ BCH BĐBP các tỉnh, thành có biên giới trên cả nước.
Việt Nam có chiều dài bờ biển khoảng 3.260 km, BĐBP quản lý 658 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển. Thời gian qua, việc khai thác nguồn lợi thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) dưới nhiều hình thức như sử dụng hóa chất, chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt... Vấn đề nổi lên là tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, dẫn đến việc cảnh báo thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU đối với các đơn vị trong toàn tuyến biển, đảo; Phối hợp với Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố tuyến biển tăng cường nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU; tập trung kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất cảng, bến, cửa sông, lạch, tham gia các tổ liên ngành, Ban chỉ đạo để phối hợp chống khai thác IUU.
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tại các Trạm Kiểm soát và tuần tra trên biển, các đơn vị đã tuyên truyền cho gần 16.500 lượt tàu cá, hơn 25.000 lượt người nghe; cấp phát 7.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định về chống khai thác IUU; yêu cầu 100% thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ký cam kết không khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi thành lập một biên đội hoạt động dài ngày trên biển, thực hiện kiểm soát chặt chẽ tất cả mọi hoạt động của tàu thuyền ra vào các cửa sông Cửa Lạch, kịp thời phát hiện thấy các vi phạm để chấn chỉnh kịp thời. Ở các đồn trạm biên phòng tuyến biển, chúng tôi tăng cường lực lượng trinh sát lực lượng phòng chống tội phạm ma túy, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể bà con ngư dân, tiến tới chấp hành nghiêm túc các quy định”.
Sau khi Ủy ban Châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45; đồng thời với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các lực lượng, tình hình vi phạm IUU trong năm 2021 đã có chuyển biến tích cực. Số vụ việc tàu cá ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm. Đặc biệt là việc vi phạm vùng biển các nước thuộc quốc đảo Thái Bình Dương như: Australia, Palau, Tân Caledonia, Papua New Guinea cơ bản chấm dứt.
Tính từ đầu năm đến nay, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý 35 vụ/53 tàu/447 ngư dân. Tập trung chủ yếu tại một số địa phương như Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, ....
Ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản cho rằng việc giám sát của các đơn vị dù sát sao đến đâu cũng chỉ giải quyết đươc phần ngọn của vấn đề.
Để khắc phục được thẻ vàng IUU, phải giải quyết các tồn tại, vi phạm từ gốc, nghĩa là phải nâng cao nhận thức của người trực tiếp khai thác, có giải pháp gia tăng lợi ích kinh tế cho người chấp hành quy định so với những người khai thác không tuân thủ để tạo động lực thay đổi một cách tự giác, bền vững.
“Lao động nghề cá hiện tại rất khó khăn. Ngày xưa đi biển, ngư dân lựa chọn được nghề chứ còn bây giờ trong xu thế xã hội phát triển rất ít ngư dân chọn nghề đi biển. Đây là vấn đề đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khai thác thủy sản bền vững. Đây là những biện pháp dài hơi, có cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân, kể cả các chính sách hỗ trợ đóng tàu thì bây giờ Nhà nước vẫn đang hỗ trợ từ bảo hiểm thuyền viên và đối với các vùng biển xa Hoàng Sa, Trường Sa, Dk 1 vẫn có chính sách đối với đối tượng này để ngư dân yên tâm”, ông Quốc nói.
Về giải pháp thời gian tới, lực lượng BĐBP lưu ý các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành “Vươn khơi bám biển nhưng không vi phạm vùng biển nước khác”; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, các đồn biên phòng phối hợp với các lực lượng tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của Luật Thủy sản và các quy định về chống khai thác IUU.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh: “Thời gian tới, cấp ủy chỉ huy các đơn vị, các đồn trạm và các cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá ngư dân khi xuất bến kiên quyết không cho phương tiện ra khơi khi không đủ thủ tục giấy tờ và trang bị theo quy định, chủ động khai thác làm chủ hệ thống giám sát tàu cá, thường xuyên phối hợp quản lý theo dõi và giám sát kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác, tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, công an các địa phương nắm chắc tình hình trên biển…”./.