Dù đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý và các chuyên gia khuyến cáo không sử dụng, nhưng sản phẩm test nhanh COVID-19 tiếp tục được chào bán trên mạng xã hội và các chợ thương mại điện tử. Các bộ test xét nghiệm có nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua các bộ kit test nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm. Bởi nguy hiểm hơn nếu các kit xét nghiệm này là giả, chất lượng không bảo đảm thì không những không phát hiện ra bệnh mà còn làm tăng nguy cơ phát tán dịch.
Trao đổi với phóng viên về hiện tượng một số người dân tự đi mua dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, các xét nghiệm nhanh COVID-19 là loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe nên phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.
“Hiện Bộ Y tế quy định rõ, các cơ sở y tế là những đơn vị thực hiện các xét nghiệm nhanh này. Do đó, người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh bởi có một số loại trôi nổi, không đảm bảo chất lượng chính xác”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Các xét nghiệm nhanh có giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp: Có triệu chứng nghi mắc COVID-19 như ho, sốt hoặc sau khi nhiễm từ 2-7 ngày. Còn với những trường hợp nhiễm sau 7 ngày (nồng độ virus ít đi), độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện ra người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ông Phu giải thích, xét nghiệm COVID-19 hiện thực hiện miễn phí, theo quy định của Bộ Y tế với các trường hợp có nguy cơ mắc (có triệu chứng, trở về từ vùng có nguy cơ...): “Xét nghiệm nhanh chỉ có giá trị chứng nhận tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây sang người khác. Sau thời điểm đó, người được xét nghiệm không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm thông điệp 5K, vẫn có nguy cơ nhiễm virus”.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ngay từ đầu năm 2021, đơn vị này đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh đề nghị tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế, đăc biệt là những bộ kit test, tránh trường hợp kinh doanh hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng hoặc hàng hóa do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc…
Theo Tổng cục QLTT, kit test nhanh thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế nên cũng được đặc biệt quan tâm và Tổng cục đã chỉ đạo xuyên suốt đến các Cục QLTT trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra kiểm soát.
Ngày 10/5/2021, Tổng cục QLTT tiếp tục có Công văn số 846 gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố, yêu cầu chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh. Chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dùng để phòng, chống dịch bệnh.
Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng./.