Mỗi đội Y tế lưu động có 4 thành viên, gồm 1 đội trưởng và 3 thành viên, là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và 10 bác sĩ của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ hoạt động của các đội Y tế lưu động. Để 50 đội Y tế lưu động hoạt động hiệu quả từ đầu, UBND thành phố đề nghị Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ 200 nhân sự sinh viên Y Dược và 10 bác sĩ tham gia hoạt động của đội.

Đội Y tế lưu động chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm Y tế quận/huyện và thực hiện công tác giám sát, theo dõi F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 (không có triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ) được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công; hỗ trợ Trạm Y tế trong công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm cho F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, đội còn hỗ trợ Trạm Y tế trong công tác kết nối với F1 cách ly y tế tại nhà và F0 (không có triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ) được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà; Phát hiện các trường hợp F0 có dấu hiệu diễn biến nặng để kịp thời phân loại, báo cáo Trạm Y tế liên hệ với các cơ sở thu dung, điều trị để chuyển tuyến người bệnh đến cơ sở điều trị phù hợp; Thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giám sát, kiểm tra, theo dõi và tuân thủ các quy định trong việc cách ly y tế F1 tại nhà và quản lý, cách ly, điều trị F0 (không có triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ) tại nhà.

UBND TP Cần Thơ giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế quận/huyện hướng dẫn hoạt động chuyên môn của đội Y tế lưu động; dự trù, mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang bị bảo hộ, vật tư y tế phục vụ cho hoạt động của đội Y tế lưu động; Chủ tịch UBND quận/huyện có trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm phương tiện, hậu cần, nơi ăn nghỉ phục vụ hoạt động của đội Y tế lưu động; chỉ đạo lực lượng địa phương phối hợp, hỗ trợ trong thời gian đội Y tế lưu động hoạt động trên địa bàn./.