Sở Y tế Hà Nội vừa có hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại các quận, huyện, thị xã không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Theo đó, căn cứ theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế về mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 và Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 16/11/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 (gọi là Trạm y tế lưu động) không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại các địa bàn xã, phường, thị trấn.
Các Trạm y tế lưu động được thu dung, khám, điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện, thị xã; đồng thời phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.
Các Trạm y tế lưu động không tiếp nhận các F0 là phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý nền; chỉ tiếp nhận F0 không có triệu chứng lâm sàng hoặc mức độ nhẹ, bao gồm các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; đồng thời không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ôxy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 trên 96% khi thở khí trời.
Căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành trạm y tế lưu động phù hợp với tình hình của địa phương. Tại các trạm y tế lưu động phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng "Trạm y tế lưu động - cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19: Không nhiệm vụ miễn vào". Các trạm y tế lưu động phải bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Trạm y tế lưu động có 1 xe ô tô chuyên dụng, nhân viên y tế cho 1 kíp có 5 người (gồm: 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 1 dược sĩ). Căn cứ số lượng người bệnh có thể bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.
Tại mỗi Trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: Khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị. Riêng khu vực cách ly, điều trị được chia làm 2 loại đối tượng người bệnh, đó là phòng điều trị F0 khỏe mạnh, không triệu chứng và phòng điều trị F0 triệu chứng nhẹ: Hắt hơi, sổ mũi, ho khan... Ngoài ra, buồng bệnh bảo đảm thông thoáng, phòng bệnh của nam và nữ riêng biệt.
Đống Đa là 1 trong các đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai mô hình Trạm y tế lưu động, tại phường Trung Liệt. Đây là 1 trong 21 Trạm Y tế lưu động của UBND quận Đống Đa.
Trên cơ sở giả định số người mắc Covid-19 vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung. Trạm y tế lưu động số 1 phường Trung Liệt phụ trách khu vực gồm 306 hộ gia đình, với tổng số 52 ca F0 và 250 trường hợp F1 được điều trị, cách ly tại nhà. Trạm nắm danh sách cụ thể từng hộ gia đình trong khu vực, quản lý và theo dõi danh sách F0, F1 hiện đang cách ly tại nhà và danh sách những người mắc các bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai trong khu vực phụ trách.
Trạm y tế lưu động diễn tập quy trình xử lý các tình huống y tế cụ thể: họp giao ban; khám chữa bệnh ban đầu; khám, chữa bệnh và chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà; đáp ứng khi người dân mắc Covid-19 có diễn biến nặng cần xử lý kịp thời.
Nhân viên y tế cho 1 kíp gồm 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 1 dược sĩ.
Trạm được bố trí đủ các phòng, khu vực làm việc như: Bàn tiếp đón, khu vực xét nghiệm Covid-19, khu vực cấp cứu, khu vực khám bệnh, phòng cách ly tạm thời, phòng trực, phòng nghỉ của cán bộ. Trạm cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư phòng dịch, trang thiết bị văn phòng và thực hiện 5 nhiệm vụ chính: Quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và cộng đồng; Xét nghiệm Covid-19; Tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19; Truyền thông công tác phòng, chống dịch Covid-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác./.