73% F0 đang được cách ly tại nhà

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tổng số F0 đang được cách ly tại nhà là hơn 47.000/64.000 (chiếm 73%). Ngành y tế cũng đã có tính toán trước việc này, tăng cường các trạm y tế lưu động, đồng thời có kế hoạch thành lập lại các khu cách ly tập trung ở quận, huyện để đáp ứng việc cách ly F0 ở tầng 1.

“Trước tình hình này thì ngành y tế TP có chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị các điều kiện để đề phòng tình huống F0 tăng cao trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm, trạm y tế lưu động là mô hình mới, TP là nơi đầu tiên thực hiện và thực tế cho thấy, đã phát huy hiệu quả trong việc ứng cứu kịp thời các F0 đang cách ly tại nhà hoặc chuyển lên tuyến trên. Vừa qua, khi số ca F0 tăng lên, Sở đã nhanh chóng tăng cường 70 trạm y tế lưu động tại các địa phương. Sở cũng lên kế hoạch, danh sách số nhân sự, số trạm để sẵn sàng tăng cường lực lượng cho các địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết: “Bây giờ tuỳ theo tình hình dịch bệnh, TP sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở các phường xã, quận huyện để tương xứng với số F0 cần chăm sóc. Nhiều quá thì lãng phí nhưng ít qua sẽ lãng phí và sẽ trở lại những bất cập mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua”.

Về việc sử dụng túi thuốc C cho F0, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thuốc C chỉ được sử dụng khi được bác sỹ chỉ định và được sự đồng thuận của F0. Trong đó phải đáp ứng các điều kiện chuyên môn như chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi; phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai; người có bệnh nền liên quan gan, thận…không được sử dụng. Hiện, TP.HCM còn khoảng 20.000 túi thuốc (chưa kể số thuốc đã phát cho các quận, huyện nhưng chưa phát cho các F0) nên có thể khẳng định, TP đủ thuốc để cung ứng cho người bệnh khi có chỉ định.

Việc cho phép bán rượu bia sẽ tuỳ thuộc vào cấp độ dịch

 Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, hiện, Sở đang cùng với Quận 7 và TP. Thủ Đức sơ kết việc thí điểm bán rượu, bia. Trong dự thảo mới, không phải tất cả các địa phương đều cho phép sử dụng đồ uống có cồn mà tuỳ thuộc vào cấp độ dịch.

“Sở Công Thương đề xuất cho phép sử dụng, phục vụ đồ uống có cồn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong điều kiện bình thường mới, chứ ở đây không cổ xuý cho việc lạm dụng thức uống có cồn”, ông Lê Huỳnh Minh Tú nói./.