Trong số những vụ bạo hành trẻ em gần đây, không ít vụ việc đau lòng xảy ra do cha mẹ ly hôn, khiến dư luận phẫn nộ. Vụ việc một bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh tử vong do nhân tình của bố bạo hành chưa nguôi thì lại xảy ra việc cháu bé 3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị nhân tình của mẹ ghim 9 chiếc đinh vào đầu.
Những vụ việc đau lòng này phần nào cho thấy hậu quả của những cuộc hôn nhân đổ vỡ để lại là sự thiệt thòi của con trẻ. Đặc biệt, có những người bố, người mẹ vì hạnh phúc riêng mà làm tổn thương các con. Làm thế nào để bảo vệ những đứa trẻ trong một gia đình không hạnh phúc?
Trải qua 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ và có 2 người con riêng, hơn ai hết, chị Lan ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hiểu rõ nỗi buồn của con mình sau mỗi lần bố mẹ ly hôn. Chị Lan chia sẻ, một gia đình hạnh phúc là điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong ước. Tuy nhiên, khi có một người chồng, một người cha không xứng đáng, chị đành chọn cách chia tay. Trải qua 2 cuộc hôn nhân, chị luôn cố gắng để giành quyền nuôi con và ưu tiên số một là được nuôi dưỡng và bảo vệ cho con của mình:
“Quan điểm của tôi, các con bao giờ cũng là trên hết. Chính vì vậy mà tôi không hiểu nổi, chỉ nghĩ rằng những người này thực sự không có tình cảm đối với con mình, họ nghĩ rằng đứa trẻ là gánh nặng cho họ thì họ mới cư xử như thế. Tôi thực sự rất bức xúc, bức xúc đến mức độ nghĩ rằng tại sao người mẹ mang thai 9 tháng 10 ngày, sinh ra đứa con, mà sao khi nhìn thấy tình trạng con mình bị đánh đập như thế mà làm ngơ. Thực sự tôi không hiểu nổi đầu óc họ như thế nào, chắc đầu óc có vấn đề”, chi Lan nói.
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trong những gia đình ly tán, phải chọn giải pháp ly hôn, nhiều trẻ trở thành công cụ trút giận của bố mẹ hậu ly hôn, do sự thù địch và căng thẳng nảy sinh khi một trong hai phía gán lỗi cho nửa kia. Với một đứa trẻ, không gì đau khổ hơn khi phải tin rằng cha (hoặc mẹ) chúng là người không tốt, nhất là lại khẳng định từ phía người còn lại.
Trong những trường hợp sau ly hôn, hoặc cha mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con tôi”, dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái như bỏ mặc, ngược đãi. Hành động này sẽ tác động sâu sắc lên nhận thức non nớt của trẻ, gây ra những bất hòa, tổn thương tâm lý, thậm chí cả tính mạng.
“Trường hợp những gia đình sau khi ly hôn sẽ không dành đủ sự quan tâm, chăm sóc cần thiết cho các em dẫn đến các em trở thành nạn nhân của bạo lực, thậm chí là xâm hại tình dục. Vấn đề thứ hai là chúng ta đang thiếu thì thiết chế giám sát cũng như bảo vệ các em một cách hiệu quả về cả mặt pháp lý và những vấn đề phát huy hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc bảo vệ trẻ em cũng như phát huy được sự giám sát của công đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em”, Luật sư Nguyễn Đức Hùng phân tích.
Trước những vụ việc trẻ em bị bạo hành trong những gia đình hậu ly hôn, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết, theo Tổng cục thống kê năm 2019, mỗi năm, nước ta có khoảng 60.000 vụ ly hôn, cứ bốn đôi đăng ký kết hôn có một đôi ra tòa.
Đối với những gia đình ly hôn, gia đình đó được coi là gặp những vấn đề bất thường, thiếu cân bằng các chức năng, vai trò của các thành viên trong gia đình. Một gia đình có những rối loạn chức năng như vậy thì vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, rối loạn trong gia đình dễ ảnh hưởng tới từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Chính vì thế, trong một số vụ việc gần đây, trong các gia đình hậu ly hôn, trẻ em gặp rủi ro cao hơn trong các vấn đề liên quan đến bạo lực và xâm hại.
Mặc dù không phải gia đình nào bố mẹ ly hôn, trẻ em cũng bị bạo lực nhưng đó chính là đối tượng phải quan tâm nhiều hơn bởi các em có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn cả về tinh thần và thể chất, các em có thể bị rối loạn tâm lý và có suy nghĩa, hành động tiêu cực...
“Những trẻ em trong các vụ việc xảy ra vừa rồi vô cùng đáng tiếc, khiến cho các em bị bạo lực, thậm chí tổn hại đến thể chất, tinh thần, thậm chí là mất mạng. Đấy là trong gia đình có những rối loạn chức năng, đầu tiên vẫn là vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy trẻ. Nhưng nó cũng liên quan đến việc những người thân xung quanh trong gia đình, tiếp theo là lớp nhà trường hay cộng đồng bao gồm làng xóm, láng giềng, lớp là chắn này đã không phát huy tác dụng để có thể phát hiện những dấu hiệu cũng như bảo vệ và can thiệp trẻ kịp thời”, bà Linh phân tích.
Bà Nguyễn Phương Linh cũng cho rằng, cha mẹ có thể chia việc nuôi con nhưng trách nhiệm và tình cảm của gia đình 2 bên cần phải được gắn kết và trẻ cần phải được hưởng quyền được quan tâm bởi tất cả các thành viên trong gia đình.
“Chúng ta vẫn nghe câu nói “Cần cả làng để chăm sóc một đứa trẻ”. Bảo vệ đứa trẻ, ngoài những người trong nhà thì càng sớm càng tốt, những người xung quanh, hàng xóm, các tổ chức xã hội, chúng tôi cũng tập trung vào vấn đề nâng cao nhận thức trong việc phát hiện dấu hiệu trẻ bị bạo lực, xâm hại để cảnh báo và xử lý một cách hợp lý. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cải thiện hệ thống chính sách pháp luật để đưa trẻ em vào là một trong những yếu tố cần phải được quan tâm trong việc phòng chống bạo lực gia đình và chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ không mang nhân danh giáo dục hay ngụy biện khác như trẻ em là tài sản của bố mẹ hay “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, bà Linh nói.
Những đứa trẻ trong những cuộc ly hôn ấy không có lỗi. Chúng phải được nuôi dưỡng trong tình yêu thương như khi các em đến với thế giới này. Đừng trút những hằn học, hờn giận độc ác lên những đứa trẻ bởi các em đã phải mang trong mình quá nhiều tổn thương./.