Theo Ban Chỉ đạo, trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam đang tiếp tục đón chuyên gia và công dân về nước, thì mầm bệnh có khả năng “đã có trong cộng đồng”, không chỉ tập trung ở khu vực Tây Nam. Vì vậy, Việt Nam phải tiếp tục có biện pháp ngăn chặn dịch từ bên trong, kiên trì nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Trong đó, để ngăn chặn dịch tại các khu vực biên giới cần vận động người dân phát hiện và thông tin cho cơ quan chức năng về các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Ban Chỉ đạo Quốc gia giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và có những hỗ trợ cần thiết để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác kiểm soát xuất-nhập cảnh ở khu vực biên giới và ở các địa phương có vùng biên.
Bộ Quốc phòng ngăn dịch xâm nhập từ biên giới Tây Nam
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho biết, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sáng 27/4, các đơn vị gồm biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, quân y… đã tiến hành họp về việc triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch xâm nhập. Bộ Quốc phòng thống nhất và kết luận, khu vực biên giới Tây Nam bây giờ là trọng điểm. Bên cạnh đó, biên giới với Lào cũng đang rất nguy cơ vì Lào mỗi ngày cũng ghi nhận số ca mắc bệnh trên ba con số, với trong 24 giờ qua đã ghi nhận là 116 ca mắc mới COVID-19. Tại Campuchia là khoảng 600 ca và riêng với Campuchia, dịch phức tạp hơn rất nhiều.
Với biên giới đường bộ với Campuchia, Bộ Quốc phòng tăng cường và giao lực lượng biên phòng chủ trì, để cùng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, công an, chính quyền địa phương và đặc biệt là nhân dân. Theo đó, mỗi tổ chốt được tăng thêm các chốt vệ tinh. Với vùng nước chung, gồm 2 khu vực giữa Việt Nam và Indonesia và giữa Việt Nam với Campuchia, ngoài số tàu của lực lượng biên phòng, tại khu vực phao số 0 sẽ tăng cường thêm lực lượng hải quân. Và khu vực từ đường từ đường ranh giới trở vào đến thềm lục địa có lực lượng cảnh sát biển.
Như vậy, chống dịch xâm nhập theo đường biên giới Tây Nam đã được Bộ Quốc phòng triển khai chặt chẽ và quyết liệt, với sự tham gia của đầy đủ các lực lượng. Đồng thời, kêu gọi người dân tham gia, phát hiện và thông tin về các trường hợp nhập cảnh trái phép. Với các tàu cá, khi quay về nếu số lượng người vượt quá con số khi ra khơi phải khai báo từ trước nếu không sẽ không được nhập cảnh. Với biên giới với Lào, các lực lượng cũng sẽ làm chặt chẽ như với biên giới với Campuchia.
Về đón người nhập cảnh qua đường hàng không và tổ chức cách ly, Bộ Quốc phòng vẫn đang phối hợp chặt chẽ với 5 Bộ ngành liên quan. Để chống ca xâm nhập với khu vực biên giới đường bộ, Bộ Quốc phòng đã đề xuất các tỉnh phối hợp với địa phương để rà soát và chuẩn bị khả năng tổ chức cách ly, điều trị số lượng nếu xảy ra tình huống người vượt biên mắc COVID-19 và lây lan rộng.
“Từ trước đến nay, chúng ta vẫn đang có hai mô hình chính là cách ly hoàn toàn trong doanh trại quân đội và quân đội quản lý. Và mô hình như tại Đà Nẵng và Hải Dương là cách ly tại cơ sở của dân nhân dân nhưng huy động lực lượng bộ đội về quản lý. Một hình thức nữa là cách ly chuyên gia tại khách sạn và giao cho công an quản lý. Chúng ta vẫn duy trì tốt 3 hình thức cách ly này. Các khu vực cách ly của quân khu, quân khu phải chỉ đạo cho các Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối phối hợp với địa phương thành lập thêm những khu vực cách ly dự phòng cho trường hợp số lượng người cách ly lớn. Chúng ta đã làm được điều này như tại Hải Dương, theo đó, chúng ta không bị động và lúng túng”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên nói.
Hỗ trợ chi phí cách ly cho những trường hợp khó khăn
Ban Chỉ đạo khẳng định, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát người nước ngoài vào Việt Nam một cách rất chặt chẽ và có kế hoạch chủ động, để phục vụ mục tiêu kép “vừa kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế”. Bên cạnh đó, công dân Việt Nam ở nước ngoài được khuyến khích, kêu gọi tuân thủ các biện pháp chống dịch của nước sở tại và hạn chế tối đa di chuyển. Trong trường hợp buộc phải về nước, công dân sẽ đăng ký và về nước một các hợp pháp. Nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức các chuyến bay giải cứu, trên tinh thần bảo hộ công dân phù hợp với tình hình dịch bệnh ở nước sở tại.
Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị, Chính phủ xem xét thực tiễn của những người dân về nước qua biên giới đường bộ, vốn phần lớn có điều kiện rất khó khăn, để được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xét nghiệm, ăn ở… khi thực hiện cách ly trong các khu cách ly quân đội.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các biện pháp xét nghiệm và cập nhật sớm công nghệ xét nghiệm tiên tiến phù hợp với từng tình huống khác nhau, để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm đồng thời giảm chi phí. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam, tăng cường năng lực xét nghiệm để phát hiện ca bệnh kịp thời.
Với các cơ sở cách ly dân sự, Bộ Y tế chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương rà soát lại toàn bộ các cơ sở cách ly. Theo đó, một mặt đảm bảo cách ly an toàn, tuyệt đối không để lây nhiễm trong khu cách ly. Nơi nào để lây nhiễm trong cách ly phải chịu trách nhiệm, đồng thời, có phương án mở rộng khu cách ly và sẵn sàng cho trường hợp có nhiều ca lây nhiễm bệnh.
Trong tất cả các khu cách ly phải ứng dụng công nghệ thông tin và có camera giám sát. Quy trình theo dõi y tế sau cách ly cũng phải được kiểm soát chặt chẽ.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có sự điều hành thống nhất khi các địa phương chủ động thực hiện giãn cách xã hội, cách ly địa bàn để phòng, chống dịch, theo tinh thần khi cách ly các khu vực giáp ranh liên tỉnh thì phải có sự thống nhất giữa các địa phương liên quan. Trong trường hợp giãn cách toàn tỉnh, phải có trao đổi với các tỉnh lân cận và phải báo cáo Thủ tướng.
Với trường hợp cụ thể khi có dịch phải khoanh vùng quy mô rộng, phải có thời hạn và khẩn trương xác định khu vực khoanh vùng để bớt xáo trộn sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ban Chỉ đạo yêu cầu, các địa phương, các cơ sở y tế không thiết các trang thiết bị y tế, vật tư… cần thiết để phòng dịch và điều trị cho người bệnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phải trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện chiến dịch 5K và đeo khẩu trang nơi công cộng. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm.
Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đồng thời đẩy nhanh đàm phán mua vaccine nước ngoài và đẩy mạnh sản xuất vaccine trong nước.
“Vaccine là phương tiện chống dịch hiệu quả và cần có vaccine sớm nhất có thể để tiêm cho tỷ lệ người dân càng cao càng tốt”- Ban Chỉ đạo nhấn mạnh./.