Chiều 19/5, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, cùng các chuyên gia đã thảo luận về Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn nguy cơ của dịch bệnh COVID-19; vấn đề quản lý cách ly đối với người từ nước ngoài vào Việt Nam; và công tác xét nghiệm COVID-19.
Tại cuộc họp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, đã nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý cách ly y tế phòng, chống COVID-19 cho tất cả những người nhập cảnh, từ khâu tiếp nhận cách ly tập trung, bàn giao về địa phương, đến theo dõi sức khỏe hàng ngày tại nơi cư trú, và nơi làm việc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của chuyên gia và các bộ, ngành ban hành quy trình quản lý chặt chẽ người nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam về nước. Trước hết là người Việt Nam về nước bằng đường hàng không, phải đảm bảo chặt chẽ từ lúc đăng ký, đến khi nhập cảnh và cho tới khi hết thời hạn cách ly, theo dõi y tế trên một tinh thần đảm bảo an toàn phòng chống dịch và ràng buộc trách nhiệm thật rõ ràng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, tất cả các trung tâm cách ly, các khách sạn đăng ký cách ly, phải đảm bảo đủ điều kiện; thành lập một hệ thống để quản lý từ giá, đến các điều kiện phòng chống dịch, nếu không đáp ứng đủ các điều kiện thì không được tiếp nhận người nhập cảnh vào cách ly. Phó Thủ tướng đề nghị hoàn thiện công việc Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã giao để sớm có hướng dẫn mới. Theo đó, phải đổi mới, vừa siết lại quản lý, tiếp nhận người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài về từ khâu đăng ký đến cách ly và theo dõi y tế sau cách ly, với hỗ trợ của các công cụ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao cho lực lượng quân y đảm nhận công tác xét nghiệm cho những người ở trong khu cách ly quân sự; ngành y tế xét nghiệm người ở trong khu cách ly dân sự, khách sạn; đồng thời thảo luận phương án xét nghiệm áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, theo chủ trương của Ban Chỉ đạo Quốc gia và của Bộ Y tế, hiện tại Bộ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động "tấn công" bằng xét nghiệm, để tăng cường truy vết.
"Nhiều trường hợp người dân xét nghiệm âm tính đã có tâm lý chủ quan, lơ là. Hiện tại, Bộ Y tế không có quan điểm "5K + Vaccine + Xét nghiệm". Chủ trương của Bộ Y tế kêu gọi người dân tuyệt đối tuân thủ "5K + Vaccine", ông Thuấn nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nhắc lại yêu cầu các tỉnh, thành phố không chủ quan khi mầm bệnh đã có trong cộng đồng và dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ địa phương nào.
Phó Thủ tướng đề nghị ban hành hướng dẫn với người từ nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh có nhiều công nghệ và xét nghiệm mới, theo đó, vẫn kiểm soát chặt và đồng thời cách ly linh hoạt để không phải mọi trường hợp đều phải cách ly 21 ngày hay 14 ngày.
"Chúng ta cần kết hợp những phương thức xét nghiệm khác nhau để những người đã "an toàn" thì chỉ cần 1 tuần là kết thúc cách ly tập trung và thực hiện theo dõi y tế tại nhà. Điều này rất quan trọng để giúp giao thương, đi lại, trong đó có việc đón chuyên gia nước ngoài và đưa công dân mắc kẹt về nước một cách an toàn. Điều này cũng giúp giảm bớt áp lực cho các khu cách ly", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu xây dựng Bộ Tiêu chí phải dự báo dịch ở 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, toàn quốc), với 4 mức: bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao. Yêu cầu đặt ra là các dữ liệu tiêu chí phải cập nhật định kỳ, thường xuyên từ địa phương, dữ liệu liên thông giữa các bộ ngành, dữ liệu mở và những tiêu chí khác.
Bộ Tiêu chí sẽ theo sát và đánh giá tình trạng dịch bệnh hiện tại của các cấp xã, huyện, tỉnh, toàn quốc và dự báo diễn biến dịch cho những ngày tiếp theo. Đây là cơ sở để chính quyền các cấp triển khai các biện pháp tương ứng theo quy định, có bổ sung những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế./.