Ngày 23/7, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 5.400 ca mắc COVID-19, trong đó có 360 người đã được điều trị khỏi bệnh và 13 người tử vong. Địa phương đã xây dựng nhiều kế hoạch phòng chống và dập dịch, như: huy động nhân lực truy vết nhanh F1, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; bố trí nhiều khu cách ly tập trung, lập các bệnh viện dã chiến; tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân... Để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất trong thời điểm bùng phát dịch, Bình Dương đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" và đã có gần 3.100 đơn vị áp dụng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận định, dù đã chuẩn bị các kế hoạch phòng dịch nhưng sự bùng phát một cách khó lường của dịch bệnh lần này nằm ngoài dự tính. Cũng vì lẽ đó, trong công tác dập dịch vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc chậm “bóc tách” các F0, F1 trong doanh nghiệp. Một số điểm cách ly tập trung, cơ sở y tế đều trị bệnh nhân Covid-19 chưa chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất. Các địa phương còn buông lỏng quản lý việc người dân thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ…
Thời gian tới, Bình Dương sẽ tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực và đề nghị Bộ Y tế chi viện để dập dịch. Địa phương sẽ thực hiện chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn; tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó mở rộng thêm các khu cách ly tập trung đảm bảo 50.000 giường; bổ sung các khu điều trị bệnh nhân từ 15.000-20.000 giường để đáp ứng tình hình diễn biến dịch có thể xấu hơn trong thời gian tới; chủ động điều trị F0, cách ly F1 trong phạm vi từng địa phương. Ngành y tế tỉnh đề xuất mua sắm bổ sung các vật tư, thiết bị, test, sinh phẩm… đảm bảo đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp để ngăn chặn dịch bùng phát, đầu tư thêm máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Mặt khác, Bình Dương sẽ kết nối lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, đảm bảo cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, ổn định giá cả thị trường; kêu gọi các nguồn lực chăm lo cho những trường hợp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và trích ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; tập trung nâng cao năng lực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 khi được Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh đảm bảo an toàn, hiệu quả./.