Cuối tháng 4 vừa qua, tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò. Dù địa phương đã khống chế, bao vây dập dịch và tiến hành tiêm phòng vaccine trên đàn trâu bò nhưng dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra 14 thôn của 4 xã trên địa bàn. Hiện, Chi cục Thú y tỉnh Bình Định đang tập trung tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, hướng dẫn người dân khử khuẩn chuồng nuôi, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Ngày 27/4, ổ dịch viêm da nổi cục đầu tiên xuất hiện trên đàn bò 4 con của ông Nguyễn Biên ở thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Sau khi phát hiện, ông Biên đã báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Sau đó, cán bộ thú y xã đến lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch viêm da nổi cục như: nhốt cách ly bò, tiêm vaccine, bôi thuốc sát trùng trên da, dùng Cloramin B dạng bột rắc quanh chuồng nuôi… Đến nay, 4 con bò mắc bệnh đã điều trị ổn định, không còn sốt và bỏ ăn. Theo ông Nguyễn Biên, dù chăm cẩn thận nhưng do sau khi gặt lúa đã thả bò ra đồng cho ăn cỏ nên về bị nhiễm bệnh.
“Bò sau khi được chăn thả về là phát sinh ra bệnh, nổi cục, bỏ ăn. Sau đó, Nhà nước hỗ trợ cho và tiêm phòng, phun sát trùng đầy đủ, đến nay đàn bò đã khỏi dần”, ông Biên cho hay.
Sau khi phát hiện ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hướng dẫn địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch bệnh viêm da nổi cục như: phun thuốc sát trung khắp các chuồng nuôi, rắc vôi bột, Cloramin B dạng bột quanh chuồng và đặc biệt là không chăn nuôi thả rông giai đoạn này. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, tại 4 xã là Cát Thành, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Hải, huyện Phù Cát tiếp tục xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên 150 con bò của hơn 100 hộ chăn nuôi.
Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đã phối hợp các cơ quan chức năng vừa tiêm phòng và đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng để bao vây không cho dịch lan rộng.
“Được sự chỉ đạo của Ủy ban huyện và trung tâm (trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện) kết hợp Chi cục Thú y tiến hành thành lập 3 nhóm tiến hành tiêm và 1 nhóm tiến hành điều trị, tạo điều kiện cách ly giữa điều trị và tiêm phòng. Ủy ban xã trích ngân sách mua vôi bột về phát cho dân rắc xung quanh chuồng”, ông Hùng thông tin.
Tỉnh Bình Định có đàn trâu bò khoảng 300.000 con. Xác định nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục khó kiểm soát nên ngay khi dịch bệnh này xuất hiện ở tỉnh Quảng Ngãi, ngành chăn nuôi tỉnh Bình Định đã chủ động khởi động lại các chốt kiểm dịch ở 2 đầu tỉnh, phun thuốc khử trùng tất cả xe chở gia súc đi qua địa bàn tỉnh; đặc biệt, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán trâu bò bệnh. Tuy nhiên, đây là bệnh do virus, có thể lây qua các vết cắn của côn trùng như ruồi, muỗi nên việc kiểm soát rất khó khăn.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định đang tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh trên trong tỉnh, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên khử trùng chuồng nuôi.
“Khi dịch xảy ra trên địa bàn xã Cát Thành, UBND huyện Phù Cát đã ban hành quyết định công bố dịch. Theo đó, các hoạt động mua bán vận chuyển tại xã Cát Thành bị nghiêm cấm và tăng cường công tác kiểm dịch. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương khác tiếp tục tăng cường, vận động bà con chăn nuôi tiêm phòng. Vì tiêm phòng viêm da nổi cục là 1 biện pháp hữu hiệu nhất để phòng đồng thời với các biện pháp tổng hợp khác”, ông Diệp cho hay./.