Tính đến thời điểm hiện tại Cần Thơ đã thống nhất cho hoạt động lại 15/29 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Ghi nhận tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ vào 8h30 sáng 4/11, sau hơn 10 ngày hoạt động nhưng bến xe vẫn vắng khách, từ khu vực chờ lên xe cho đến những khu vực gửi hàng hóa.

Anh Đàm Tấn Đạt (sinh năm 1984), quê Bình Định, làm phụ xe chạy tuyến Cần Thơ – Quy Nhơn cho biết, khi được hoạt động lại xe của anh cũng đã chạy 4 tua, nhưng dịch bệnh không có khách đi nhiều, trung bình mỗi chuyến chỉ có từ 1- 2 khách đi. Biết là lỗ vốn nhưng xe vẫn phải chạy để giữ mối, hơn nữa được hoạt động cũng đỡ hơn phải “đắp màn” cho xe mấy tháng qua.

Cùng tâm trạng như anh Đạt, anh Trần Thế Dũng- Chủ 2 đầu xe khách tuyến cố định Cần Thơ-Sóc Trăng cho biết: "Mở 50-50 thì cũng mừng, dần ổn định hết thì hoạt động lại bình thường. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ giúp phí đường bộ, phí đăng kiểm… và cũng nên có những yêu cầu đơn giản để hành khách đi lại thông thương dễ dàng".

Theo các chủ xe đang hoạt động tại bến xe trung tâm TP Cần Thơ, từ 30/10 đến nay, xe chạy hầu như không có khách vì tâm lý e ngại dịch bệnh của đại đa số người dân; đồng thời, nhiều nơi yêu cầu phải có giấy test nhanh COVID-19, thời hạn 72 giờ, khiến nhiều hành khách khó đáp ứng. Doanh nghiệp cũng như hành khách đang rất khó khăn trong việc nhiều địa phương thay đổi hình thức tiếp nhận người từ tỉnh khác vào, thích ứng rất khó mà linh hoạt lại càng khó hơn.

Ông Hoàng Anh Tuấn, hành khách đi từ TP.HCM về Cần Thơ chia sẻ: Khi đặt xe ông không nghe thông báo là test nhanh COVID-19, nhưng trước ngày khởi hành, nhà xe lại thông báo cần giấy test nhanh âm tính, ông phải tốn thêm thời gian để hoàn thành thủ tục này. 

"Nhà xe vẫn yêu cầu đảm bảo quy tắc 5K, tôi thấy khách đi xe so với trước dịch vắng hơn nhiều, việc yêu cầu có test nhanh trước khi lên xe cũng phát sinh thêm một phần chi phí, nó làm khó khăn cho tôi"- ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Mấy tháng liền các nhà xe ngừng hoạt động và chưa nhận được gói hỗ trợ nào dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khi hoạt động lại, khách thưa thớt, cộng thêm việc giá xăng, dầu lại tăng cao, ngân hàng không giảm lãi… đưa doanh nghiệp vào cảnh kiệt quệ không đủ chi phí bù trừ.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, nếu không sẽ khó tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải "bất đắc dĩ" tự dừng hoạt động do không gánh nổi các khoản thu - chi.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần thống nhất các thủ tục hành chính đi xe cho hành khách, để tránh cảnh “chỗ thế này, chỗ thế kia”, khiến tâm lý e ngại di chuyển tăng cao trong những ngày đang được nới lỏng giãn cách này./.