Đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận hơn 23 nghìn bệnh nhân mắc Covid-19 kể từ đợt dịch lần thứ 4 từ 27/4 đến nay, trong đó đã ghi nhận gần 80 bệnh nhân tử vong. Số lượng bệnh nhân điều trị lớn đang tạo nên những áp lực nào cho các thầy thuốc? Đặc biệt, với những bệnh nhân mắc biến thể mới, công tác điều trị có điểm gì đáng lưu tâm?
Để tìm hiểu về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện, BS Nguyễn Trung Cấp đang là Tổ phó Tổ điều trị bệnh nhân Covid-19 được tăng cường vào các tỉnh phía Nam chống dịch.
PV: Thưa BS Nguyễn Trung Cấp, hiện nay đất nước chúng ta đã chuẩn bị cho kịch bản 30.000-50.000 ca mắc Covid-19 trong thời gian tới, vậy theo ông, việc điều trị cho bệnh nhân sẽ tạo ra những khó khăn và áp lực gì?
BS Nguyễn Trung Cấp:Với mức độ 30.000-50.000 người mắc, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được số lượng bệnh nhân nhẹ và trung bình tại các bệnh viện, thông qua việc kiểm soát tốt đó, chúng ta giảm được số bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, cũng phải nói hệ thống hồi sức cấp cứu của Việt Nam không mạnh, số lượng bác sỹ hồi sức cấp cứu hiếm hoi, các trang thiết bị chúng ta có thể mua được nhưng để đào tạo một thầy thuốc hồi sức có kinh nghiệm không dễ dàng. Nếu số lượng bệnh nhân quá lớn, chỗ quá tải đầu tiên là hệ thống hồi sức cấp cứu. Vấn đề thiếu thốn của chúng ta khác các nước khác, có những nước thiếu máy thở, ô xy, còn chúng ta rõ ràng là thiếu bác sỹ hồi sức cấp cứu.
PV: Như vậy việc thiếu đội ngũ bác sỹ hồi sức cấp cứu như ông nói sẽ gây nên tình trạng gì?
BS Nguyễn Trung Cấp:Trong điều kiện thiếu một bác sỹ hồi sức cấp cứu thì một bác sỹ sẽ phải phụ trách điều trị rất nhiều bệnh nhân, hoặc phải phối hợp thêm các bác sỹ không phải chuyên hồi sức cấp cứu vào cùng hồi sức cấp cứu để chăm sóc bệnh nhân nặng. Với những người không chuyên hồi sức cấp cứu mà phải chăm sóc bệnh nhân quá nặng chất lượng chăm sóc không được đảm bảo được tốt
PV: Đáng chú ý là gần đây, chúng ta còn ghi nhận cả những người không mắc bệnh nền những vẫn tử vong. Ồng có thể thông tin thêm về điều này ạ?
BS Nguyễn Trung Cấp:Bất cứ ai khi mắc Covid-19 đều có nguy cơ có thể tử vong. Thế thì người có bệnh nền thì tỷ lệ tử vong cao hơn, còn người không có bệnh nền nguy cơ thấp hơn nhưng họ vẫn có nguy cơ tử vong. Có một điều xã hội hay nhầm lẫn cho rằng khi bệnh nhân lúc vào viện không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ thì đó là bệnh nhân nhẹ, điều đó không phải. Có những người khi vào bệnh viện triệu chứng nhẹ nhưng sau đó diễn biến nặng vẫn có thể tử vong ở thời điểm nào đó. Cho rằng việc bệnh nhân mắc Covid-19 có bệnh nền hay không có bệnh nền, người khi vào viện có triệu chứng nhẹ hay không triệu chứng vẫn cần quan tâm, theo dõi sát.
PV: Ngày 9/10, riêng TP.HCM đã phát động phong trào thi đua mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19 nhằm giảm số ca F0 trong cộng đồng. Vậy ông có hy vọng những giải pháp của thành phố sẽ giúp giảm số ca mắc mới trong thời gian tới?
BS Nguyễn Trung Cấp:Tôi nghĩ rằng nếu như nỗ lực toàn dân và các cấp chính quyền cùng tham gia, chúng ta có thể làm sạch hoàn toàn trong cộng đồng chứ không chỉ làm giảm bớt số ca mắc. Bởi vì nếu còn ca mắc cộng đồng mà chúng ta không kiểm soát tốt, không đưa đi cách ly tốt thì hết đợt vận động nó lại bùng lên. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng thời gian nhất định phải làm sạch được.
PV: Xin cảm ơn ông!./.