Những con số này được đưa ra tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng nay (29/6).
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã thông báo về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tình hình lao động, việc làm quý II tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong thời gian này, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 51,6 triệu người, tăng gần 445.000 người so với quý trước và tăng gần 559.000 người so với cùng kỳ năm trước; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính 50,5 triệu người. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người, tăng 358,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,39%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 2,05%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm ước tính là 2,48%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thời gian này, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. 6 tháng đầu năm, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1,7 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 1,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 28,7 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Về lĩnh vực giáo dục, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số địa phương phải lùi thời điểm kết thúc năm học bậc giáo dục phổ thông so với kế hoạch. Tính đến ngày 25/6 vừa qua, cả nước có 23.148 trường đã kết thúc năm học.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, trong quý II, trên thế giới, khu vực châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 với sự xuất hiện 2 dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan cao và nhanh hơn so với các biến thể khác. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang tiếp tục được kiểm soát.
6 tháng qua, cả nước có 53.626 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (29 trường hợp tử vong); 21.859 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 110 trường hợp mắc bệnh viêm não virus (3 trường hợp tử vong); 8 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 75 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.
Tính đến ngày 24/6 vừa qua, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm cả nước là 228.484 liều.
Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng 6, xảy ra 3 vụ với 9 người bị ngộ độc. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 14 vụ với 272 người bị ngộ độc, có 2 người tử vong.
Về tai nạn giao thông, trong tháng (từ 15/5 đến 14/6), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 951 vụ tai nạn giao thông, làm 525 người chết, hơn 300 người bị thương và 311 người bị thương nhẹ. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 6 tăng 2,8%; số người chết tăng 8,2%; So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 6 tăng 15,3%; số người chết tăng 20,4%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 5.684 vụ tai nạn giao thông, làm 3.286 người chết, 1.956 người bị thương.
Về thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ, 6 tháng qua, thiên tai làm 75 người chết và mất tích; 52 người bị thương; 160.000 ha lúa và gần 32.000 ha hoa màu bị hư hỏng; hơn 176.000 con gia súc, gia cầm bị chết; gần 8.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 5.422,8 tỷ đồng, gấp 10,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 11.485 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 9.704 vụ với tổng số tiền phạt là 130,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; cả nước xảy ra 855 vụ cháy, nổ, làm 48 người chết và 50 người bị thương, thiệt hại ước tính 424,7 tỷ đồng, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Tổng cục Thống kê lưu ý, mặc dù đại dịch Covid-19 đang “giảm nhiệt” tại Việt Nam nhưng một số dịch bệnh trên thế giới đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam; Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh theo mùa, chân tay miệng đang diễn biến phức tạp, việc đảm bảo trang thiết bị nguồn cung, thiết bị y tế, sinh phẩm…đang là vấn đề đặt ra với ngành y tế. Do đó, người dân không nên chủ quan. Thời gian tới, cần tích cực tiêm vaccine cho trẻ, bổ sung tiêm vaccine mũi 4 cho người lớn./.