Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid- 19, mặc dù Việt Nam tiếp cận vaccine muộn hơn so với nhiều nước, song nhìn lại năm 2021, các chuyên gia cho rằng việc Chính phủ đã ban hành và thực thi chiến lược vaccine với “3 mũi giáp công” là: Ngoại giao vaccine + quỹ vaccine và “thần tốc tiêm chủng diện rộng vaccine phòng Covid-19”, đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. Từ đó góp phần quan trọng giúp nước ta đạt miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ gần 90% dân số trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam đã triển khai hiệu quả và thành công trong công tác ngoại giao vaccine. Đến nay, nước ta đã tiếp cận được gần 200 triệu liều vaccine, trong số đó có khoảng 68 triệu liều vaccine là các đối tác tài trợ, ngoài ra cũng mua thương mại rất nhiều. Cùng với đó, thông qua các hoạt động ngoại giao, đối ngoại trực tiếp và trực tuyến trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và kể cả đối ngoại quốc phòng, công an, đã khơi thông được các hoạt động hợp tác. Từ đó, góp phần rất quan trọng, tạo thuận lợi cho quá trình thích ứng an toàn linh hoạt với dịch Covid-19.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết: "Trong lúc dịch, với sự quyết tâm triển khai các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao phục vụ phát triển, các hoạt động hợp tác về kinh tế đối ngoại, chúng ta cũng đã phát huy rất tốt về xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 22%, thị trường Trung Quốc tăng 16%, thị trường Liên minh châu Âu tăng 12%. Chúng ta cũng đã tranh thủ một khối lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, rồi kiều hối về Việt Nam, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế của đất nước. Với hoạt động rất tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trên các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương chúng ta đã thực sự kiểm soát được dịch bệnh và sẵn sàng quay trở lại một cuộc sống mới, vẫn giao lưu, hợp tác ngoại giao bình thường trở lại.

Đây cũng là điều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận đánh giá cao trong phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 mới đây, khẳng định chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước": "Có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Nếu đầu tháng 5/2021, nước ta mới có được vài trăm nghìn liều vaccine, thì đến nay đã có khoảng 200 triệu liều vaccine với tỉ lệ bao phủ 1 mũi vaccine là 99,6%; tỉ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9% (là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới); đang tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi với tỉ lệ bao phủ tiêm 1 mũi là 85,6%, tiêm 2 mũi là 57% và sẽ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi vào đầu năm nay".

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết thêm, đến nay các nhà tài trợ, các tổ chức, đơn vị, các chính phủ nước ngoài đã cam kết tài trợ cho Việt Nam, nhà cung cấp vaccine đã được Bộ Y tế ký hợp đồng cung cấp vaccine cho Việt Nam, tổng nguồn vaccine cung ứng và cả nguồn tài trợ cho Việt Nam trên 227 triệu liều. Về kế hoạch tiêm vaccine năm nay, Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết. Đồng thời, đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ, khi được cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để có đủ vaccine sớm nhất tiêm cho trẻ em: "Về khả năng cung ứng vaccine, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em, cùng nguồn vaccine mà COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I khoảng 15 triệu liều thì lượng vaccine tiêm cho người trưởng thành, tiêm mũi thứ 3 Việt Nam đã đủ. Chúng ta đang tiếp cận nguồn vaccine tiêm cho trẻ em"./.