Chiều 25/6, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, chỉ riêng trong vòng 24 giờ, tính từ 6 giờ sáng ngày 24/6 đến 6 giờ sáng ngày 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, cao nhất từ trước đến nay.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 27/4 đến 18h ngày 24/6, tại TP.HCM có 2.234 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố. Riêng từ 6 giờ sáng ngày 24/6 đến 6 giờ sáng ngày 25/6, TP.HCM ghi nhận 667 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 99 trường hợp trong khu phong tỏa, còn 538 trường hợp trong khu cách ly; 14 trường hợp tầm soát, sàng lọc khi khám tại các bệnh viện. Cùng với đó, có 1 trường hợp bị phơi nhiễm nghề nghiệp là một hộ lý đang công tác tại Trung tâm Y tế Bình Thạnh, được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát, 1 trường hợp khi thực hiện mở rộng xét nghiệm, 2 trường hợp giám sát sau cách ly tập trung, 2 trường hợp nhập cảnh và 10 trường hợp đang được điều tra dịch tễ, hiện chưa rõ nguồn lây.
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện TP đang điều trị cho 31 bệnh nhân nặng, trong đó có 12 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 3 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, 7 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 huyện Củ Chi và 5 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng cho biết, qua các trường hợp được phát hiện hiện nay, phần lớn là những trường hợp không có triệu chứng (chiếm khoảng 68%), cao hơn nhiều so với giai đoạn đầu khi phát hiện chuỗi điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (tỉ lệ có triệu chứng nhiều hơn). Sau khi phát hiện những ca ở bệnh viện thì đã truy vết ngược lại và phát hiện 1 chùm ca bệnh. Tuy nhiên, các ca chỉ điểm ở bệnh viện lại không có triệu chứng hoặc những triệu chứng rất mơ hồ, nếu các trường hợp này không đi bệnh viện thì sẽ không tìm ra các trường hợp khác mắc Covid-19.
Vì vậy theo bác sĩ Dũng, hiện nay vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp truy vết để xử lý các chuỗi lây nhiễm, song vẫn phải tính đến phương án “sống chung với lũ”.
"Chúng ta truy vết để tìm những con rắn độc thay vì truy vết để tìm những con rắn nước. Tức là bảo vệ được nhóm đối tượng nguy cơ, ví dụ như ở trong các trại, trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng, những đối tượng nguy cơ, bệnh nên phải được tiêm vaccine, còn những trường hợp bị nhẹ thì có thể coi như cúm"- ông Dũng nói./.