Vừa qua, hàng ngàn tiểu thương ở chợ An Đông, quận 5 TP.HCM bãi thị để khiếu nại về việc chậm sửa chữa chợ.
Ngày 20/9, UBND quận 5 đã tổ chức họp báo để thông tin về vấn đề này và gửi lời xin lỗi đến người dân. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi kéo dài nhiều năm thì điều mà người dân mong đợi lúc này là những hành động cụ thể, thiết thực từ phía chính quyền chứ không chỉ dừng lại ở lời hứa.
Chợ An Đông đang xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh: Zing.vn) |
Đã có trên 2.300 quầy sạp đóng cửa để bãi thị tại chợ An Đông. Đây không phải là lần đầu tiên tiểu thương tại chợ này đòi làm việc với Ban quản lý chợ và UBND quận 5.
Trước đó, ngày 10/11/2016, đại diện hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ An Đông đã có buổi gặp lãnh đạo UBND quận 5 phản ảnh những bức xúc, kiến nghị kéo dài nhiều năm liên quan đến hạ tầng chợ xuống cấp nghiêm trọng.
Tại đây, bà con tiểu thương cũng đã bày tỏ sự bức xúc vì chính quyền không sắp xếp đối thoại với bà con trong nhiều năm qua.
Chị Trần Thị Thu Thùy - tiểu thương chợ An Đông, cho biết: Tại cuộc họp lúc đó, ông Nguyễn Chí Trung - Phó Trưởng ban Quản lý Chợ cũng thừa nhận việc chậm sửa chữa do nhiều nguyên nhân, đồng thời gửi lời xin lỗi và mong được chia sẻ từ bà con.
Còn Chủ tịch UBND quận 5 khẳng định, cụ thể về thời gian thi công các hạng mục. Tất cả đã được ghi chép thành biên bản cuộc họp, bà con tiểu thương còn lưu giữ lại. Thế nhưng gần 1 năm qua, lời hứa cũng chỉ nằm trên…giấy.
Quá trình chờ đợi, các tiểu thương đã gửi không biết bao nhiêu đơn từ lên UBND quận 5 và cả lên thành phố... phản ánh sự tắc trách, thiếu quan tâm của Ban quản lý Chợ An Đông, nhưng tất đều được chuyển về cấp cơ sở là Ban Quản lý Chợ giải quyết.
Đến ngày 11/8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã đến tiếp xúc bà con tiểu thương trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND quận 5 đã khẳng định đến tháng 9 này, yêu cầu Ban Quản lý Chợ An Đông phải lắp đồng hồ điện cho bà con. Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn 10 ngày nữa hết tháng 9, nhưng chưa có một động thái nào từ ban quản lý.
Tiểu thương Trần Thị Thu Thùy bức xúc: “Ngày mà chúng tôi đóng tiền cho UBND quận 5 là tháng 4/2013, có 4 ngân hàng ngồi trước ban quản lý cho tiểu thương vay. Có đến 80% bà con vay tiền của ngân hàng để đóng cho quận 5. Đến nay bà con đã gánh lãi 80 tỷ. Đã rất nhiều lần bà con yêu cầu quận 5 chứng minh sự minh bạch bằng chứng từ gửi tiền như thế nào thì đều bị phớt lờ”.
Theo các hộ kinh doanh tại đây, hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi.
Các tiểu thương cho rằng đã đóng tiền tỷ, nào là tiền thuế, tiền ngân sách, chưa tính công tác xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa… nhưng vẫn phải kinh doanh trong điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng kéo dài nhiều năm.
Theo tiểu thương Nguyễn Văn Lâm, hơn 4 năm qua, Ban Quản lý chợ An Đông cũng như chính quyền quận 5 thường xuyên nhận lỗi, ghi nhận tiếp thu ý kiến của bà con nhưng không có động thái nào thực hiện, gây thiệt hại cho hàng trăm tỷ đồng cho tiểu thương, khiến cho nhiều người phá sản, đóng sạp vì vay ngân hàng mà bán không được hàng: “Đối với quận 5, chúng tôi không còn niềm tin nữa”, tiểu thương Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Có thể thấy, tình trạng xuống cấp ở các trung tâm thương mại, chợ dân sinh xảy ra ở một số địa bàn. Nhưng rõ ràng nguyên nhân khiến người dân bức xúc là do chính quyền, Ban Quản lý Chợ An Đông phớt lờ nguyện vọng của bà con.
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, khi người dân chủ động đóng tiền đầy đủ phục vụ công tác sửa chữa, thì đáng lẽ phải có sự minh bạch về tài chính, có kế hoạch rõ ràng để triển khai cho người dân. Thay vì làm thế, quận 5 chỉ biết xin lỗi nhiều lần. Điều các tiểu thương muốn được minh bạch hiện nay là số tiền đầu tư đang ở đâu?./.
Chủ tịch UBND quận 5 xin lỗi các tiểu thương chợ An Đông
Hàng ngàn tiểu thương bức xúc vì chợ An Đông xuống cấp