Hôm nay (10/12) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình đã lập đoàn kiểm kê hàng hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiến hành tiêu hủy số hải sản bị nhiễm độc trên theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Sau sự cố môi trường biển, tỉnh Quảng Bình tồn đọng hơn 2.000 tấn hải sản. Qua kiểm tra, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình phát hiện có hơn 600 tấn hải sản tồn động tại các kho đông lạnh có hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng cho phép. Điều này khiến các chủ cơ sở thu mua cũng như người dân lo lắng về lượng hải sản nhiễm độc này.
Ông Trương Văn Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Biển khơi cho biết, việc tiến hành tiêu hủy số hải sản không đảm bảo an toàn thực phẩm giúp người dân cũng như các chủ cơ sở thu mua hải sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình rất phấn khởi: "Tất cả các chủ nậu, các chủ kho đông lạnh đều phấn khởi khi giải quyết số hải sản tồn động này bởi có thêm diện tích kho và nguồn vốn để quay vòng, chuẩn bị công tác kinh doanh thu mua hàng sắp đến".
Sau khi được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo về việc phải tiêu hủy toàn bộ hải sản bị nhiễm độc, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập đoàn kiểm kê hàng hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo số lượng, phân chủng loại và kích thước; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đưa toàn bộ khối lượng hải sản bị nhiễm độc đi tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết: "Hiện nay chúng tôi triển khai 8 đội gồm có cán bộ giám sát và toàn bộ các phương tiện vận chuyển. Các đoàn liên ngành do Sở NN&PTNT thành lập kiểm kê các kho hàng nào xong thì chúng tôi đưa lên xe, cử cán bộ giám sát trực tiếp lên các chuyến xe đưa đến nơi tiêu hủy để tiến hành chôn lấp".
Theo ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, việc tiến hành tiêu hủy hơn 600 tấn hải sản nhiễm Cadimi không bảo đảm an toàn thực phẩm này tạo thị trường hải sản sạch trong tỉnh, qua đó giúp cho người dân cũng như các cơ sở thu mua yên tâm hơn trong việc tiêu thụ hải sản.
Dự kiến, việc tiêu hủy hơn 600 tấn hải sản nhiễm Cadimi được tiến hành từ 10/12 đến hết ngày 14/12./.