- Nguyên nhân cháy xe: Kết luận của Sở không ngược của Bộ!
- Đã tìm ra “thủ phạm” gây cháy nổ xe
- Kết luận nguyên nhân cháy xe chưa thuyết phục
- "Giải mã" nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy
- Bộ trưởng Thăng: “Xe cháy nổ phải có người chịu trách nhiệm”
- "Chốt" 3 nguyên nhân làm xe “bỗng nhiên cháy”
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" trên kênh VTV1, Đài THVN, tối 17/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân khẳng định, chắc chắn Bộ KHCN vẫn coi xăng dầu là đối tượng nghiên cứu, là một trong những nguyên nhân gián tiếp có thể gây ra những vụ cháy nổ ô tô, xe máy trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Quân còn cho biết, khi Nhà nước tăng cường thanh tra kiểm tra, số vụ cháy nổ ô tô xe máy giảm đi rõ rệt. Vì thế, xã hội đã phần nào thấy vai trò của công tác kiểm tra, thanh tra với chất lượng xăng, dầu và gas trên thị trường.
Do đó, hiện tại, Bộ KHCN vẫn giao nhiệm vụ cho 3 đơn vị khoa học, đó là Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP HCM và Viện Hoá học Công nghiệp tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của chất lượng xăng dầu đối với việc rò rỉ xăng dẫn tới có thể gây cháy.
Liên quan đến vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu, đặc biệt là cách đây 2 năm, Bộ KHCN có kiến nghị về việc tạm dừng việc sử dụng xăng A83. Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích căn cứ: "Trong quá trình lưu thông xăng A83, chúng tôi thấy rằng có những vấn đề mà chúng ta cần phải loại bỏ. Ví dụ, chỉ số Octan của xăng A83 tương đối thấp, nó chỉ phù hợp với phương tiện ô tô xe máy đã được thiết kế, chế tạo trong giai đoạn trước. Đồng thời, nó không đảm bảo vấn đề môi trường".
"Đến cuối năm 2011, khi xuất hiện hiện tượng xăng A83 được sử dụng pha thêm các chất phụ gia để bán với giá xăng A92, A95, chúng tôi tiếp tục kiến nghị và tháng 5/2012, Bộ Công Thương thống nhất với Bộ KHCN trình Chính phủ chấm dứt việc lưu hành xăng A83 trên thị trường” - Bộ trưởng Quân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dư luận đặc biệt bức xúc khi có thông tin về việc “biến” xăng A83 thành xăng A92 vô cùng đơn giản: Chỉ cần pha methanol 15% vào xăng A83 là có chỉ số như xăng A92, trong khi xăng A83 và A92 có mức giá chênh nhau tới cả ngàn đồng/lít. Điều này cho thấy, lợi nhuận chính là động lực lớn nhất để các cây xăng làm ăn gian dối và pha thêm methanol chính là nguyên nhân gây cháy xe.
Hơn nữa, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, các thiết bị máy móc sử dụng xăng A83 không nhiều, nhưng xăng A83 nhập vào Việt Nam và lượng xuất kho lại rất lớn. Điều này khiến dư luận có quyền nghi vấn về việc có thể xăng A83 đã được sử dụng rất nhiều để trộn với methanol thành xăng A92 và bán trên thị trường.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Chắc chắn hiện nay động cơ sử dụng xăng A83 không nhiều, hầu hết trong lĩnh vực quốc phòng và một số phương tiện cũ. Tuy nhiên, lượng xăng A83 tiêu thụ trên thị trường vừa qua nhiều một cách không bình thường.
Vì thế, chắc chắn có hiện tượng gian lận trong việc pha thêm phụ gia vào xăng A83 để bán với giá của A92 và A95. Chỉ tiếc một điều, tất cả các vụ cháy xe mà chúng tôi đã cho xét nghiệm các mẫu xăng dầu, đều không phát hiện các trường hợp vi phạm như vậy. Cho nên, đây vẫn là một ẩn số chúng ta vẫn phải tiếp tục xác minh./.