Để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việt Nam đang ưu tiên, khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay, Việt Nam sản xuất hơn 170 tỷ kWh điện từ các nguồn năng lượng hóa thạch, chẳng hạn như than đá và khí đốt nhưng chúng đang nhanh chóng cạn kiệt.
Phát triển điện mặt trời đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm (ảnh KT). |
Tại hội thảo "Tích hợp nguồn điện năng lượng tái tạo: Thách thức và công nghệ" diễn ra sáng 7/9, ông Brian Hull – Giám đốc điều hành của ABB tại Việt Nam nêu những thách thức về vấn đề năng lượng đối với Việt Nam khi mức độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao, đi liền với đó là tiêu thụ điện năng tăng bình quân 10-15%/năm.
Còn theo ông Nguyễn Minh Quang, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (thuộc EVN), thì nước ta đã phải nhập khẩu than cho điện. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện rất khó khăn vì các ngân hàng cũng bắt đầu hạn chế việc cho vay phát triển điện than và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo.
Theo mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, điện mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai, với công suất lắp đặt tăng từ 6 - 7 megawatt (MW) vào cuối năm 2017 dự kiến lên 850 MW vào năm 2020, tương ứng 1,6% tổng sản lượng điện của cả nước. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 12.000 MW vào năm 2030, tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện của cả nước.
Nhờ ưu thế với bức xạ mặt trời lớn, những mục tiêu này được kỳ vọng sẽ thành công. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất thấp và sự quan tâm của chính phủ trong việc phát triển năng lượng tái tạo cũng sẽ góp phần đạt được kế hoạch này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tích hợp các nguồn tái tạo với lưới điện xoay chiều đang đặt ra nhiều thách thức, không dễ dàng thực hiện được. Đặc biệt, việc tích hợp sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể nếu các nguồn NLTT công suất vừa và lớn đấu nối với HTĐ qua hệ thống lưới điện cao áp từ 110kV trở lên.
“Việt Nam chuyển đổi sang việc sử dụng năng lượng sạch, lưới điện sẽ cần phải thích nghi với nguồn điện năng lượng tái tạo vốn là nguồn năng lượng không liên tục với đặc tính phát điện phân tán. Điều này không chỉ đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi, chặt chẽ hơn trong ngành và trong các bàn thảo về phát triển chính sách mà còn cần sự lựa chọn công nghệ phù hợp. Công nghệ sẽ giúp lưới điện hoạt động linh hoạt và thích ứng với mô hình phát điện phân tán, dòng điện đa hướng. Số hóa chính là chìa khóa tạo ra lưới điện tương lai” – ông Venu Nuguri – Phó chủ tịch cấp cao của Ban Thiết bị và Hệ thống điện ABB, khu vực Nam Á, Trung Đông và châu Phi cho biết.
Ông Nguyễn Minh Quang – Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia EVN cho biết, nhu cầu phụ tải ngày càng lớn vì thế phải đáp ứng nguồn điện cho phụ tải này. Đây là cơ hội để phát triển NLTT. Việc phát triển các nhà máy điện mặt trời rất nhanh, lắp đặt các tấm pin có thể chỉ khoảng 1 năm, trong khi để xây dựng các công trình lưới điện thì phải mất trung bình 3 năm mới xong.
Một trong những khó khăn khi đấu nối nguồn điện tái tạo với hệ thống điện thì các nhà máy phải có các bộ inverter và các bộ này sinh rất nhiều sóng hài cho nhà máy, sóng này có thể trùng hợp với sóng riêng của hệ thống, gây ra những ảnh hưởng cho nhà máy năng lượng tái tạo. Ở Việt Nam chưa có nhiều đơn vị tư vấn hiểu sâu về vấn đề này và chưa được đánh giá kỹ.
Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã được thông qua vào tháng 4/2017, tạo ra làn sóng đầu tư phát triển năng lượng mặt trời./.