Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện trên hệ thống các sông lớn ở miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành vừa đảm bảo an toàn đập, vừa góp phần giảm lũ cho hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện. Thế nhưng những đợt mưa lũ vừa qua, trong khi một số địa phương giám sát chặt chẽ việc xả lũ thì nhiều nơi, các chủ hồ mặc sức tích nước, khi mực nước hồ vượt ngưỡng an toàn thì ồ ạt xả lũ khiến hạ du không kịp trở tay.

xa_lu_ripf.jpg
Hồ Hố Hô xả lũ về hạ du.

Đợt mưa lũ vừa qua, nhiều thủy điện trên sông Ba đồng loạt tăng lưu lượng xả lũ. Trong đó, Thủy điện Sông Ba Hạ nằm tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên tăng mức xả cao nhất trong 7 năm gần đây, với lưu lượng xả có lúc lên đến 10.400 m3/giây. Vùng hạ du nước dâng cao bất ngờ làm 7 người chết, 1 người mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, tài sản, hoa màu của bà con trôi theo nước lũ.

Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ giải thích, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ nằm ở bậc thang cuối cùng trên hệ thống sông Ba, nên khi các nhà máy thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ thì Thủy điện Sông Ba Hạ buộc lòng phải xả theo.

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao trên cùng hệ thống sông Ba mà các chủ hồ không phối hợp điều tiết xả lũ theo đúng quy trình? Vì sao Thủy điện Sông Ba Hạ không xả sớm hơn mà để đến khi tích được 50 triệu m3 mới tiến hành xả? Ông Đăng Văn Tuần phân bua: “Các hồ chứa ở khu vực Sông Ba đa phần là hồ chứa có dung tích nhỏ, lượng mưa thì lớn. Hiện nay, diện tích rừng nó suy giảm, do đó lượng nước về nhiều. Các hồ sẽ không chứa được lượng nước buộc phải xả xuống và Sông Bạ Hạ là bậc thang cuối nên phải tuân thủ theo quy trình này. Vì đảm bảo lợi ích chung của các địa phương và của các Nhà máy thủy điện nên xả lũ là bắt buộc”.

Phía thượng nguồn sông Ba hiện có 2 nhà máy thủy điện gồm, Nhà máy Thủy điện Krông Năng nằm ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Phú Yên và Đăk Lăk và Nhà máy Thủy điện An Khê - Ka Nak ở thượng nguồn sông Ba, thuộc tỉnh Gia Lai.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, Nhà máy Thủy điện An Khê- Ka Nak bắt đầu xả lũ từ ngày 1 tháng 11, sau đó liên tục tăng lưu lượng xả nhưng không hề thông báo với chính quyền tỉnh Phú Yên, nơi trực tiếp hứng chịu lượng nước khổng lồ đổ xuống. Không có thông tin nên ông Trần Hữu Thế phải chủ động liên lạc với Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai để nắm thông tin. Điều gây bức xúc đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên là vì sao các nhà máy thủy điện đầu nguồn, mùa khô thì chặn dòng sông Ba khiến vùng hạ lưu khô khốc, mùa mưa lại ồ ạt xả lũ gây thiệt hại lớn.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các hồ chứa thủy điện phải chủ động thông tin sớm: “Chủ động để cùng trao đổi thông tin trong dòng chảy, liên hồ chứa là không có. Lúc cần nước thì đẩy nước đi chỗ khác, khi lại dồn vô lũ chồng lũ. Thôi thà lúc có ăn thì cùng ăn, lúc bị họa thì cũng ráng chịu. Chỉnh dòng có thể tốn kém hơn một chút nhưng về lâu dài cũng nên suy nghĩ”.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, 3 nhà máy thủy điện cũng tiến hành xả lũ trong đợt mưa lũ vừa qua là Thủy điện Sông Bung 4, Thủy điện Đăkmi 4 và Sông Tranh 2 nằm ở 3 nhánh sông khác nhau. Đáng mừng là có sự chỉ đạo, điều tiết hợp lý nên đợt mưa lũ mới đây không gây thiệt hại cho vùng hạ du. Ông Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, đơn vị phụ trách vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 cho biết, do các thủy điện không nằm trên cùng hệ thống sông nên theo chỉ đạo của tỉnh, các chủ hồ lấy mực nước dâng ở Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc làm mốc. Các chủ hồ chứa thủy điện sau khi nhận được thông báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung trung bộ lập tức điều chỉnh lưu lượng xả.

Ông Nguyễn Sơn nói: “Người dân cũng rất quan tâm đến mực nước ở Ái Nghĩa. Họ biết rằng khi báo động 2 thì nhà họ sẽ tới đâu, báo động 3 thì họ biết rằng mực nước ở nhà họ ngấp nghé ở chỗ nào thì họ chủ động trong việc di dời, phòng tránh. Tôi cho là tỉnh Quảng Nam điều hành rất tốt và cũng rất là chuyên nghiệp”.

Thực tế cho thấy, vai trò điều hành của lãnh đạo chính quyền các địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh rất quan trọng.

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực các con sông lớn ở miền Trung cũng quy định rõ, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định, chỉ đạo việc vận hành các hồ.

Trường hợp xảy ra sự cố bất thường phải báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để có biện pháp xử lý kịp thời. Thế nhưng, thời gian qua nhiều địa phương ở miền Trung chưa thật sự quyết liệt trong điều hành xả lũ.

Thực tế những đợt mưa lũ lớn gây nhiều thiệt hại nặng nề ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định đều có nguyên nhân từ việc xả lũ của các Nhà máy thủy điện nằm ở Gia Lai, Đăklăk. Hàng chục người chết và bị thương, nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất, các chủ hồ đổ lỗi cho nhau.

Cần làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây ra nhiều thiệt hại cho người dân vùng hạ du trong các đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh miền Trung./.