Mưa lớn trong hai ngày qua tại Gia Lai đã khiến các hồ thủy điện, thủy lợi liên tục tăng lưu lượng xả lũ. Đáng chú ý, có tình trạng thủy điện xả lũ bất ngờ khiến công tác ứng phó ở hạ nguồn bị động, nhiều người dân gặp nguy.

gl1_chrs.jpg
Lực lượng chức năng lên đường cứu hộ khẩn cấp
Tại Thị xã An Khê, từ sáng qua có mưa rất to. Thủy điện An Khê - Ka Nak liên tục thông báo tăng lưu lượng xả lũ từ 200m3/s lên 600m3/s rồi trên 1.000m3/s. Một số nơi trên địa bàn thị xã bị lụt cục bộ từ đêm qua và ngay trong đêm, các lực lượng chức năng thị xã đã di dời khẩn cấp hơn 10 hộ dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. 

Dọc theo sông Ba, từ thị xã An Khê trở về phía hạ nguồn, tình trạng ngập lụt còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Theo quan sát, nhiều nhà dân đã ngập trong lũ. Nhiều cánh đồng lúa nước ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa bị ngập trắng.

Nước sông ba lên nhanh, nhiều tuyến đường đã bị ngập

Một số gia đình sống dọc sông chỉ kịp dời phụ nữ và trẻ em, còn đàn ông, thanh niên vẫn bám trụ để giữ tài sản.

Ông Siu Lam, dân tộc J’rai, ở phường Sông Bờ, Thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Con cái phải đi sơ tán trước rồi, đến nhà người quen ở nhờ rồi. Vợ cũng đi rồi còn mình thì có thuyền mà, lụt tới nhà thì mình đi. Mình ở lại để giữ nhà, tài sản.”.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, từ sáng qua tới nay, các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh Gia Lai có mưa rất to. Lượng mưa đo được ở Thị xã An Khê là hơn 155mm, tại Thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa là khoảng 120mm. Mưa lớn cùng với việc các thủy điện, thủy lợi xả lũ đã khiến nước sông Ba dâng rất nhanh. Thị xã Ayun Pa hiện đang trong tình trạng khẩn cấp, khi nước lũ sông Ba tại đây đã xấp xỉ mức báo động 3.

Nước sông Ba vẫn đang tiếp tục dâng cao và nguy cơ gây ngập lụt cho thị xã Avun Pa trên diện rộng
Điều đáng nói, theo chính quyền địa phương, việc xả lũ của Thủy điện An Khê – Ka Nak là không đúng quy trình. Thủy điện này đột ngột xả lũ mà không thông báo trước cho Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ nhắn tin cho các huyện trước khi xả lũ vài giờ.

Do việc xả lũ bất ngờ đã khiến công tác cứu hộ, cứu nạn bị động. Hiện chính quyền và ngành chức năng các huyện thị đang phải tích cực tổ chức lực lượng, đưa xuồng, cano đi cứu hộ khẩn cấp những hộ dân bị cô lập.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi ở địa phương, cơ sở bị động. Chỉ nhận được một tin rất ngắn vào khoảng 21h30 mà 1h sáng là thủy điện đã xả lũ. Xả lũ từ 1h sáng thì đến 5h30 sáng chúng tôi mới nhận một bản tin chính thức qua mạng. Việc này nếu địa phương không linh hoạt hoặc không có kinh nghiệm trong việc cứu hộ, phòng lũ thì rất khó. Nhất là, nhân dân ở vùng lũ, vùng ngập mà xả như thế sẽ không kịp thoát được.”

Trước sự phối hợp sơ sài của Thủy điện An Khê- Ka Nak, UBND tỉnh Gia Lai đã ra công điện khẩn, gửi hỏa tốc cho thủy điện và các huyện chấn chỉnh việc vận hành xả lũ.

Do lũ dâng cao, đến trưa nay, Quốc lộ 25 đoạn qua xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa đã bị ngập gần 500m. Do mưa lớn kéo dài, cũng trên Quốc lộ 25, đèo Tô Na đoạn qua huyện Krông Pa bị sạt lở nghiêm trọng, các phương tiện giao thông không thể đi qua đoạn đèo này. Ngành giao thông tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai các biện pháp để khai thông tuyến đường./.