Tại Lâm Đồng, do mưa lớn và kéo dài từ tối qua đến sáng nay (4/11), cộng với các thủy điện trên địa bàn tăng lượng xả lũ, khiến nhiều khu vực sản xuất và nhà ở của dân bị ngập. Hiện chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục.
Mưa lũ khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. |
9 giờ sáng nay, Thủy điện Đa Nhim của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng lượng xả lũ lên đến 800m3/giây, khiến hơn 30 nhà ở và hàng nghìn ha rau màu của người dân tại 2 thị trấn D’Ran, Thạch Mỹ và các xã Lạc Xuân, Ka Đô, Tu Tra của huyện Đơn Dương bị ngập chìm trong nước. Chính quyền địa phương huyện Đơn Dương đã huy động các lực lượng giúp người dân di dời đến nơi ở an toàn, đồng thời tích cực triển khai các phương án khắc phục hậu quả.
Bà Nguyễn Thị Bé, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp, Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Đơn Dương, nói: “Ở địa phương, ngay từ đầu đã xây dựng phương án 4 tại chỗ. Người địa phương, dân quân địa phương và hỗ trợ của công an, bộ đội đưa dân tới nơi an toàn. Tức là việc di dời dân cần di dời ở khu vực nào lên khu vực nào là luôn được chủ động, ngay từ đầu đã xây dựng phương án”.
Ngoài thủy điện Đa Nhim, thủy điện Đại Ninh cách đó hơn 35km cũng đã tăng lượng xả lũ lên 720m3/giây. Các thủy điện Đồng Nai 3 và 4 cũng đã sấp xỉ đạt cao trình tích nước, có thể thực hiện việc xả lũ bất kể lúc nào. Cùng với lượng mưa rải rác và kéo dài trên diện rộng, hiện mực nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang tiếp tục dâng cao.
Theo ông Phan Văn Ngôn, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, nhờ việc xả lũ của các thủy điện được thông báo trước rõ ràng nên công tác phòng chống lụt bão luôn được chủ động, không để xảy ra thiệt hại về người: “Bây giờ địa phương đang tích cực điều hành việc xả lũ. Đồng thời, thực hiện di dời tài sản, di dời người dân ở những khu vực vùng thấp lên vùng cao. Đến thời điểm này, không có thiệt hại gì về người, đó là điều đáng quý nhất”.
Trong khi đó, tại các huyện nằm ở vùng trũng khu vực phía Nam của Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, do có mưa lớn ở đầu nguồn nên mực nước tại các sông, suối trên địa bàn cũng đang dần tăng cao. Hiện chính quyền địa phương nơi đây đang chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó khi có lũ quét và sạt lở đất xảy ra.
Bình Định: Nước rút chậm, nhiều vùng còn bị chia cắt
Đến sáng nay (4/11), trên địa bàn tỉnh Bình Định trời đã ngớt mưa, nước trên các sông xuống chậm, nhiều nơi còn bị ngập.
Tại huyện Tuy Phước, tuyến đường từ Trung tâm huyện về các xã khu Đông như Phước Thuận, Phước Hoà, Phước Thắng vẫn bị chia cắt. Chính quyền địa phương huy động các lực lượng quân đội, công an, dân phòng ứng trực tại các điểm ngập không cho người dân qua lại. Nhiều nơi nước còn ngập sâu, chưa thể đi lại được.
Ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: “Xã đã chỉ đạo anh em lực lượng dân quân, thanh niên đến các điểm xung yếu giúp cho dân vớt bèo, gỡ những đoạn bị vướng dòng chảy để nước thoát lũ. Hiện tại thì trên địa bàn xã tất cả các thôn đều bị chia cắt”.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định huy động nhiều ca nô và lực lượng ứng trực tại các điểm bị ngập nước lũ; tiếp tục di dời người dân ở khu vực Diêu Trì, huyện Tuy Phước do sạt lở bờ sông.
Đại tá Mai Đức Năm, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động 4 địa điểm. Chúng tôi đã tập kết phương tiện và lực lượng trên 4 huyện, nơi nào cần thiết chúng tôi đưa phương tiện đến kịp thời. Cử cán bộ chiến sĩ sơ tán dân đến nơi an toàn đồng thời tổ chức tặng mỳ tôm, nước uống cho đồng bào những vùng không thể nấu nước được nếu đồng bào còn ở lại”./.
Khánh Hòa: Mưa, lũ tuyến Nha Trang - Đà Lạt bị chia cắt