Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, đã khiến dư luận và các nhà khoa học trong nước rất quan tâm.

Nhiều vấn đề đã được đặt ra xung quanh bài toán về lợi ích kinh tế cũng như những tác động tiêu cực từ 2 dự án này mang lại.

thuy-dien-3.jpg

Các nhà khoa học và đại diện chủ đầu tư trao đổi về tính đa dạng hệ sinh thái tại VQG Cát Tiên

Làm sao bảo vệ hệ sinh thái?

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây ngập một vùng rộng lớn, thuộc các huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), Đắk RLấp (Đắk Nông) và Bù Đăng (Bình Phước). Với tổng diện tích chiếm đất vĩnh viễn trên 320 ha, trong đó có 137 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.

Theo đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Sĩ, Phó Chủ nhiệm dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, với 137 ha bị ngập, vườn quốc gia Cát Tiên cũng không bị ảnh hưởng đáng kể, vì đó chủ yếu là rừng tạp, không có các loại gỗ quý, chỉ có 19 ha rừng thuộc nhóm 3B, còn lại là rừng nghèo, không có hệ sinh thái tự nhiên cần được bảo vệ. Trước đó đơn vị cũng đã cân nhắc kỹ và tiến hành hiệu chỉnh để giảm đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến môi trường.

“Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã trải qua một quá trình rà soát, thẩm định kỹ lưỡng của các bộ, ngành, đã được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trong quá trình đầu tư, đã tuân thủ theo đúng quy trình và quy định của pháp luật. Đến nay đã hoàn thành cơ bản các bước chuẩn bị đầu tư. Theo chúng tôi đánh giá, đây là các dự án có mặt bằng bố trí các hạng mục công trình gọn, tập trung, khối lượng xây dựng không lớn, điều kiện thi công và quản lý vận hành có rất nhiều thuận lợi, dự án đạt hiệu quả kinh tế và tài chính cao”, ông Nguyễn Văn Sĩ nhận định.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Cẩm Nhung - Điều phối viên Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) cho rằng, khi thi công 2 dự án thủy điện này, Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ đối mặt với sự biến động lớn. Kết quả điều tra mới nhất của Tổ chức này cho thấy, hệ thực vật ở đây rất phong phú, với khoảng 850 loài thực vật bậc cao mọc tự nhiên. Trong số 6 ngành thực vật bậc cao có mạch của Việt Nam thì nơi đây đã có đến 5 ngành.

Theo bà Phạm Thị Cẩm Nhung: “Chắc chắn việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ ảnh hưởng lớn đến vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Theo tính toán của chúng tôi, nếu triển khai xây dựng với quy mô theo 2 dự án thủy điện này sẽ phải dùng hết 1.000 tấn thuốc nổ, sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh sản, làm căng thẳng các loài động vật hoang dã quý hiếm trong khu vực và làm giảm tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên”.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết, hiện tại khu vực này có hàng chục loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai, giáng hương... với trữ lượng rất lớn. Mặt khác, diện tích 137 ha bị nhấn chìm sẽ tác động đến nhiều loại động vật quý hiếm mà chỉ có duy nhất ở đây như tê giác, cá sấu nước ngọt, chim trĩ...  Vì thế, cần phải nghiêm túc xem xét đánh giá tác động môi trường một cách kỹ lưỡng.

Ông Trần Văn Thành cho rằng, do nhu cầu cuộc sống phải có điện để sinh hoạt, để sản xuất, để phát triển kinh tế - xã hội... là cần thiết. Nhưng một khi ảnh hưởng trực tiếp đến Vườn Quốc gia Cát Tiên thì cần phải có một nghiên cứu thực sự cẩn trọng, chu đáo. Chẳng hạn phải có những nghiên cứu sâu hơn về thượng nguồn, nơi xây dựng, hạ lưu sau đập và ảnh hưởng như thế nào đến động vật hoang dã ở Cát Tiên...

Còn theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A còn ảnh hưởng đến Bàu Sấu - khu dự trữ sinh quyển ngập nước nằm trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Các tổ chức quốc tế có thể sẽ xem xét và rút lại quyết định công nhận khu Ramsar. Tương tự, danh hiệu khu dự trữ sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận năm 2001 cũng có thể bị mất đi khi 2 dự án thủy điện này triển khai xây dựng.

Khu vực dự kiến xây đập của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Nỗi lo sinh kế cộng đồng

Trong những luận cứ để bảo vệ cho việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng, những hệ lụy mà 2 công trình này có thể gây ra với đời sống xã hội, môi trường là rất nhỏ. Cụ thể, chúng chỉ chiếm hết khoảng 1,5 ha đất để sản xuất 1 MW điện. Sản lượng điện hàng năm đủ cung cấp cho nhu cầu của ba tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước… do vậy việc xây dựng thủy điện là không thể trì hoãn. Hiện đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng và chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ để triển khai thực hiện dự án. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án này đã được thực hiện khá bài bản và đúng luật.

Ông Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy hội sông Mekong nêu những hệ luỵ mà 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gây ra. Đó là, làm tăng lưu lượng đỉnh lũ, giảm nước xả vào mùa khô hạn, tăng mức độ ô nhiễm cho hạ lưu, ẩn chứa nhiều hiểm hoạ cho môi trường, làm thay đổi hình thái, xói lở và giảm nguồn dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp.

“Sông Đồng Nai là một trong những lưu vực nằm trong vùng kinh tế vô cùng nhạy cảm và vô cùng năng động. Là một vùng có 20 triệu dân, đóng góp hơn 1/3 thu nhập quốc dân của vùng này. Theo thế giới đánh giá, khu vực này nằm trong diện cực kỳ thiếu nước và chịu nhiều áp lực như: Suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm, hệ thống sông quản lý chưa hiệu quả, mật động xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai dày đặc. Các dự án đặt ra vấn đề: Người dân bị tác động một cách mạnh mẽ, ảnh hưởng đến sinh kế.

Thạc sĩ Lâm Đình Uy, Điều phối viên sông ngòi Việt Nam cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án còn nhiều lỗ hổng về điều tra xã hội học. Cụ thể, chủ đầu tư khẳng định dự án không giải toả cư dân, nhưng phiếu điều tra dành phần lớn câu hỏi liên quan đến việc giải quyết tái định cư, trong khi đó phần sinh kế của người dân lại rất nhợt nhạt, thậm chí không đề cập đến.

Theo ông Trần Bá Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, một khi 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xây dựng và vận hành khai thác, có ít nhất 2.000 hộ dân thuộc 6 xã của huyện Tân Phú nằm ven Vườn Quốc gia Cát Tiên bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo tính toán, sẽ có ít nhất 1.800 ha cây trồng của người dân nơi đây sẽ đối mặt với khô hạn trầm trọng, thiệt hại kinh tế là rất lớn. Mặt khác, thiên tai, lũ lụt sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng, đời sống cư dân trong khu vực một khi thủy điện thực hiện xả lũ vào mùa mưa.

Minh chứng cho hệ lụy này, ông Trần Bá Đạt nói: “Năm 2010, mực nước sông Đồng Nai đã xuống dưới mực nước chết. Chính vì vậy, trong vụ Đông Xuân năm 2010 - 2011, huyện phải đưa một máy bơm để bơm chìm - tức là bơm từ giữa dòng sông đến bể hút, sau đó từ bể hút mới bơm tiếp. Từ đó, đặt ra một vấn đề là, nếu đầu tư hai dự án thủy điện này thì tác động của nó sẽ như thế nào đến hoạt động sản xuất, liên quan đến đời sống của bà con nông dân? Và khi có tình huống lũ lụt thì vấn đề xả lũ, lưu lượng xả sẽ ảnh hưởng như thế nào ở hạ lưu?”.

Thực trạng như ông Trần Bá Đạt nêu, chẳng phải chỉ xảy ra tại huyện Tân Phú. Trên đầu nguồn sông Đồng Nai đã có nhiều công trình thủy điện được xây dựng, những công trình trình này đã và đang có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái lưu vực sông Đồng Nai. Mới đây, Sở Công thương TP HCM đã đề nghị UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình bậc thang vùng thượng nguồn Đồng Nai, nhằm đảm bảo nguyên tắc “lợi ích kinh tế gắn với lợi ích môi trường và xã hội”.

Ngoài những dự án thủy điện đã đi vào vận hành khai thác từ phía thượng nguồn sông Đồng Nai, hiện quanh Vườn Quốc gia Cát Tiên có tổng cộng đến 6 dự án với 10 công trình thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, đó là: Đồng Nai 5, Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A, Đồng Nai 7, Đức Thành và bậc thang Tà Lài - Phú Tân 1 - Phú Tân 2 - Thanh Sơn - Ngọc Định. Hệ thống thủy điện liên hoàn này đã và đang dấy lên trong giới khoa học một nỗi lo về tổ hợp nguy hiểm đối với hệ sinh thái Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng và môi trường, đời sống xã hội của vùng hạ lưu trong khu vực nói chung một khi chúng được đưa vào xây dựng và vận hành.

Kết quả mong đợi của các nhà khoa học

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam, lập dự án thủy điện phải tuân thủ vào Luật đa dạng sinh học, nhưng hồ sơ pháp lý của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được xem là làm chưa kỹ. Cụ thể, báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện này đã bỏ qua hoặc chưa đánh giá đúng mức và cần thiết những tác động môi trường và xã hội, chưa đề cập hết những rủi ro và kể cả những sai lầm tiềm ẩn.

“Ở đây, tôi cho rằng những người bị ảnh hưởng đã không được cân nhắc tới, ví dụ như những người đánh cá bên sông, họ cần phải được biết rằng khi không có cá nữa thì họ phải làm cái gì để sinh sống, họ lấy gì để nuôi con, và khi họ chuyển đổi nghề nghiệp thì tổ chức nào sẽ giúp đỡ? Tôi cho rằng, những thông tin về dự án khi cung cấp cho Chính phủ, cho Quốc hội, cho những người chịu trách nhiệm, phải chính xác”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long nói.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên phó Tổng thư ký ủy hội Sông Mêkong cho rằng, khi xây công trình thủy điện, tổn thất về đa dạng sinh học và suy giảm chất lượng nước từ 80 - 94%.

Hiện đã có hơn 16 triệu dân ở các tỉnh dọc sông Đồng Nai chảy qua đã và đang bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp vì những bậc thang thuỷ điện được xây dựng dày đặc. Chính vì vậy, cần phải cân nhắc thật kỹ và phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc và các trình tự pháp lý khi xây thêm 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho rằng, khi muốn phát triển một công trình đập lớn nào,  cần phải đảm bảo 7 nguyên tắc: Sự chấp thuận của công chúng, đánh giá phương án xem lợi hại thế nào, xem xét các đập hiện tại có cần phải xây dựng thêm hay không, hay chỉ cần thế thôi, bền vững cho các con sông và sinh kế của con người, công nhận quyền hợp pháp và chia sẻ lợi ích, bảo đảm thuân thủ về mặt pháp luật, tuân thủ về mặt quy trình, tuân thủ quy định.

Thêm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đất nước và nhân dân có thêm nguồn năng lượng. Nhưng làm sao để giảm thiểu sự gây hại cho môi trường, về tự nhiên, xã hội, nhất là ở vùng đặc biệt nhạy cảm là Vườn Quốc gia Cát Tiên, một trong các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.  Điều ấy rất cần sự khảo sát, tính toán thật thấu đáo./.