Văn phòng Chính phủ vừa phát đi văn bản truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên hôm 30/6, trong đó nhấn mạnh nội dung liên quan đến công tác thu phí hoàn vốn tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn).
Cụ thể, đối với trạm thu phí BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), Thủ ttướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, các bộ, cơ quan liên quan và nhà đầu tư khẩn trương thống nhất phương án trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án, tránh lãng phí và phát sinh tăng chi phí đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân.
(Ảnh minh họa: KT) |
“Không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực khi đưa trạm thu phí vào hoạt động và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”, Thông báo kết luận của Thủ tướng nêu rõ.
Dự án đầu tư xây dựng đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới dài 65km gồm hai hợp phần: Thứ nhất, đầu tư xây dựng mới 40km QL3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) theo tiêu chuẩn tiền cao tốc dài 40km, bề rộng nền đường 12m và hợp phần hai là nâng cấp, mở rộng QL3 cũ đoạn Km 75 - Km 100.
BOT Thái Nguyên - Chợ Mới: Thống nhất phương án “cứu” nhà đầu tư
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 2.713 tỷ đồng, do liên danh CIENCO4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP ĐTXD&TM Trường Lộc làm nhà đầu tư.
Theo hợp đồng BOT, để phương án tài chính đảm bảo khả thi, dự án sẽ đặt hai trạm thu giá để hoàn vốn, một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và một trạm đặt trên QL3 cũ tại Km 77+922 (khu vực Bờ Đậu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).
Tuy nhiên, ngày 23/11/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản đề nghị Bộ GTVT bỏ trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới tại Km77+922 (QL3 cũ).
Để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, Bộ GTVT đồng ý cho thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại một trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ ngày 25/1/2018 và chỉ đạo sau 3 tháng, trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định được doanh thu thực tế, nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án, báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết tổng thể.
Đến ngày 25/4/2018, sau 3 tháng thu phí thực hiện tại một trạm, trên cơ sở thực tế doanh thu, lưu lượng phương tiện, tình hình sử dụng, ATGT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã tính toán phương án tài chính, phân tích việc không đủ khả năng hoàn vốn cho dự án nếu thu chỉ một trạm này và đã có báo cáo, đề xuất kiến nghị giải pháp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép tổ chức thực hiện việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ trên cả 2 trạm để hoàn vốn cho dự án ngay từ tháng 4/2018.
Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra phương án cuối cùng để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, khiến nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi mỗi tháng phải trả gần 20 tỷ đồng tiền lãi cho ngân hàng tài trợ vốn cho dự án.
Trước đó, ngày 23/7/2018, Bộ GTVT có văn bản trình Thủ tướng cho phép dừng 2 dự án nâng cấp quốc lộ lên cao tốc, là Chợ Mới-Bắc Kạn và QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên.
Một trong những nguyên nhân khiến Bộ GTVT đưa ra kiến nghị trên là vì việc ghép đoạn trong dự án dẫn đến không đảm bảo công bằng cho người sử dụng, đầu tư một nơi và thu phí một nơi.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét ưu tiên bố trí từ nguồn dự phòng vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2016-2020 để trả nợ đọng xây dựng cơ bản của dự án xây dựng QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đã xây dựng xong./.
Nhiều lái xe né trạm, BOT Thái Nguyên-Chợ Mới thất thu
BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thu phí không đủ trả lãi vay
Chính thức thu phí BOT Thái Nguyên – Chợ Mới