Ông Nguyễn Văn Lại, một người dân ở quận 3 – TP.HCM cho biết, ông đồng tình với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thu hồi các loại xe gắn máy cũ nát, lạc hậu đang lưu thông trên địa bàn thành phố, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, theo ông Lại, những chiếc xe gắn máy tuy cũ nhưng nếu được sửa chữa và sử dụng tốt, không gây ô nhiễm thì nên cho phép lưu hành, để những người dân có thu nhập thấp bớt đi “áp lực” phải mua xe mới.

“Nếu nói về thu hồi xe, những người đi xe cũ xả khói nhiều, nhớt bẩn, gây ô nhiễm mà không sửa lại thì nên bỏ. Còn những xe cũ đã sửa chữa thì không sao”, ông Lại nói.

Kiếm sống với công việc bán thức uống tại vỉa hè hơn 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Diệu (quận 7, TP.HCM) cho biết, chiếc xe gắn máy cũ kỹ chở máy ép hoa quả đang là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Vì thế, nếu xe bị thu hồi theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chị rất lo lắng vì thu nhập bấp bênh, không thể mua xe mới. Chị Diệu mong muốn được phổ biến rõ hơn quy định thế nào là phương tiện cũ nát, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường… để có thể cải tiến chiếc xe của mình, hoặc được hỗ trợ đổi phương tiện mới.

“Phần lớn người buôn bán nhỏ sống nhờ vào chiếc xe gắn máy cũ, nếu không cho phép lưu thông thì khó khăn lắm. Hơn nữa, quy định về xe cơ giới Nhà nước đưa ra còn chung chung, chưa rõ, xe phải như thế nào mới thu hồi? Khi thu hồi xe cũ thì Nhà nước có hỗ trợ gì không?”, chị Nguyễn Thị Diệu băn khoăn.

Theo chuyên gia, đề xuất thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đem lại nhiều tác động tích cực khi các thành phố lớn cho thu hồi những phương tiện quá cũ, không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng khí thải môi trường cũng như an toàn giao thông. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng những phương tiện cũ nát này là lao động có thu nhập thấp hoặc kiếm sống bằng việc chở thuê hàng hóa, cho nên, để việc thu hồi không ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ sẽ phải giải quyết nhiều bài toán về đảm bảo an sinh xã hội.

PGS. TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, việc đề nghị thu hồi phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu… sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa đánh giá các tác động đối với đời sống của người dân. Do đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ lưỡng để khi đi vào thực hiện tránh gây nên những tác động tiêu cực.

"Việc đánh giá những quy định từ việc thu hồi xe cơ giới cũ nát, lạc hậu có ảnh hưởng đến người lao động là đúng. Các phương tiện không đạt tiêu chuẩn đang tồn tại liệu có thể dẹp được hay không? Khi dẹp các phương tiện này thì người lãnh đạo có để ý tới đời sống của người lao động?", PGS. TS Nguyễn Lê Ninh nêu ý kiến.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, các tiêu chuẩn về khí thải phương tiện giao thông đang ngày càng được thắt chặt để hướng tới xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc thu hồi các phương tiện cơ giới cũ mà không có phương án hỗ trợ kịp thời có thể khiến những người nghèo bị mất việc, giảm thu nhập. Do đó, cần có sự xem xét, phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành để có những chính sách hỗ trợ người dân khi thu hồi các loại xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn.

"Những hộ nghèo, hộ kinh doanh cần hỗ trợ thì liên quan đến chính sách an sinh xã hội. Bộ Tài nguyên Môi trường cũng phải đánh giá thực trạng đó để phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có những chính sách bổ trợ. Nếu không có những chính sách đó thì việc giám sát và thực thi, cưỡng chế là cực kì khó khăn", TS. Vũ Anh Tuấn cho biết.

Việc thu hồi phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường là chủ trương đúng. Tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình cụ thể và có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, nhất là đảm bảo tính pháp lý về quyền tài sản của công dân./.