Duyên nghiệp
Một ngày như mọi ngày, tại Khoa sơ sinh – Bệnh viện Nhi Trung ương không có lúc nào rảnh rỗi bởi hàng trăm bệnh nhi đang nằm điều trị tích cực. Do đặc thù của môi trường công tác nên cùng một lúc, bác sĩ Lê Thị Thu Hà và các đồng nghiệp phải khám chữa cho các bệnh nhi từ sinh thiếu tháng, bệnh tim bẩm sinh, dị tật bẩm sinh, viêm ruột, cho đến nhiễm trùng trong tình trạng thập tử nhất sinh.
Chọn nghề Y như một duyên nghiệp, các y, bác sĩ, hộ lý đã quá quen với cảnh chạy đua với thời gian, với các ca cấp cứu cho đến áp lực trong khám chữa bệnh để đem lại sự sống cho bệnh nhân. Bên cạnh việc điều trị cho các bé sơ sinh, đội ngũ y, bác sĩ ở đây cũng là những chuyên gia tâm lý để động viên, an ủi người nhà bệnh nhân… bởi sự sống mong manh, các em có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Chọn nghề Y như một duyên nghiệp đối với bác sĩ Lê Thị Thu Hà |
Thấm thoát đã gần 14 năm trôi qua, bác sĩ Lê Thị Thu Hà đã đem tuổi trẻ của mình hết lòng phục vụ người bệnh. Với chị, bệnh nhi mau chóng phục hồi sức khỏe, thoát khỏi bệnh tật là niềm vui lớn nhất và cũng là lý do chị gắn bó với nghề mình đã chọn dù biết rằng nghề y là một nghề đòi hỏi nhiều hy sinh.
Chứng kiến một ngày làm việc của chị, chúng tôi không giấu được sự nể phục về sự tận tâm của người bác sĩ trẻ. Đa phần bệnh nhi là những trẻ sinh thiếu tháng bệnh nặng, trọng lượng cơ thể chưa đến 1kg. Trẻ sinh non nên sức đề kháng yếu hơn so với trẻ khác và thường đi kèm với các triệu chứng suy hô hấp, nên trẻ phải thở máy, can thiệp về hồi sức quá nhiều nên nguy cơ nhiễm trùng cao khiến việc điều trị kéo dài, phức tạp.
Nên nhiều trường hợp đã qua giai đoạn cấp cứu ban đầu, sức khỏe tiến triển tốt, nhưng sau đó tình trạng nhiễm trùng cao khiến bệnh lý của trẻ nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Trong suốt thời gian công tác tại đây, bác sĩ Hà đã nhiều lần chứng kiến sự đau đớn, tuyệt vọng của những ông bố bà mẹ, không ít lần chị bị dằn vặt cho cuộc sống của những đứa trẻ vắn số.
Chị kể, mới đây bệnh viện tiếp nhận một ca sinh thiếu tháng ở Nghệ An bị nhiễm trùng được chuyển từ tuyến dưới lên. Vợ chồng sản phụ vốn hiếm muộn, tài sản trong nhà đã huy động tối đa để lấy tiền thụ tinh nhân đạo. Tổng cộng 3 lần cấy phôi ngốn đến hàng trăm triệu đồng, cuối cùng anh chị cũng có tin vui. Kinh tế kiệt quệ, vợ chồng không đủ điều kiện thăm khám trong khi thai sản, nên nguy cơ sản phụ đẻ non cũng không được báo trước. Đứa trẻ sinh ra bị thiếu tháng và nhiễm trùng nặng. Mặc dù đã được các bác sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo nhưng sức đề kháng của bé quá yếu, bé đã ra đi trong sự tuyệt vọng, đau đớn của đôi vợ chồng trẻ.
Sự đói nghèo, và những giọt nước mắt thống khổ của đôi vợ chồng trước sự mất mát của đứa con là nỗi ám ảnh khiến bác sĩ Hà không thể nào quên được.
Chị chia sẻ: “Theo nghề thầy thuốc, chúng tôi phải chấp nhận cả những bi kịch là những tai biến có thể xảy ra. Mặc dù đó không phải là tai nạn nghề nghiệp, là mất y đức mà là tỷ lệ cho phép trên y văn nhưng khi bệnh nhân mất, cái chết đối với người thầy thuốc vẫn bị ám ảnh”.
Khi chăm sóc, người điều dưỡng là người thực hiện đầy đủ các y lệnh của thầy thuốc |
Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, việc trực ngày thường cũng như trực ngày lễ, Tết đối với những “lương y như từ mẫu” đều như nhau. Bác sĩ Hà cho biết, gần 14 năm trong nghề hầu như năm nào chị cũng trực Tết. Có những năm, đêm giao thừa không phải ca trực của mình nhưng chị cũng phải chạy vào bệnh viện vì có ca bệnh nặng mà đồng nghiệp cần sự hỗ trợ. Tinh thần lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng để trực chiến với bệnh tật. Thay vì cùng gia đình tận hưởng thời khắc thiên liêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới, được nghe những lời chúc xuân của người thân, đêm giao thừa chị lại tất bật với những ca bệnh khó.
Nhiều lúc cậu con trai đang học lớp 6, thắc mắc “Mẹ ơi, mẹ đổi nghề đi?”, khiến chị không khỏi chạnh lòng cho những thiếu thốn về sự quan tâm với con. Nhưng chính cái tâm với nghề, tấm lòng với bệnh nhân đã giúp chị vững tâm hơn đối với sự lựa chọn của mình. “Hạnh phúc với chúng tôi đó là những tiếng khóc khỏe mạnh của trẻ sơ sinh đã tai qua nạn khỏi, là nụ cười mãn nguyện của gia đình bệnh nhân”, bác sĩ Hà tâm sự.
Nhọc nhằn nghề điều dưỡng viên
Sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc như những bài tình ca được viết bằng những giọt mồ hôi rơi trong đêm lặng lẽ, bằng sự nhọc nhằn và bằng cả trái tim vì người bệnh thân yêu của những điều dưỡng viên.
4 năm gắn bó với nghề là bấy nhiêu thời gian điều dưỡng viên Nguyễn Thanh Sang – Khoa sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương hết lòng chăm sóc bệnh nhân. Chị tâm sự, điều dưỡng viên là nghề áp lực, thời gian thất thường và cũng không khỏi lo lắng. Vì nghề y là nghề liên quan đến tính mạng con người. 24/24h trong ngày, người điều dưỡng bên cạnh bệnh nhân, xử trí mọi tình huống linh hoạt, kịp thời, chính xác. Họ luôn lấy người bệnh làm trọng, từ vệ sinh cá nhân cho đến các thủ thuật y tế.
Khi chăm sóc, người điều dưỡng là người thực hiện đầy đủ các y lệnh của thầy thuốc, tiêm thuốc, hút dịch, thay băng cho trẻ. Làm việc trái giờ gây nhiều mệt mỏi, nhưng với họ lúc nào cũng phải tỉnh táo để ứng phó với những tình huống khẩn cấp trong đêm.
Chị Thanh Sang chia sẻ, cái khó nhất của trực đêm là khi đó bệnh viện vắng người, chỉ có bác sĩ trực, nên điều dưỡng viên càng phải theo dõi sát bệnh nhân và xử lý thật khéo léo nếu có chuyện gì xảy ra. Áp lực, hy sinh là vậy nhưng đã vào nghề, hiếm có ai dứt ra được. “Vất vả như vậy nhưng chúng tôi chẳng suy nghĩ gì, chỉ thấy buồn nhất là khi nhìn thấy trẻ đau đớn vì bệnh tật mà không thể giúp trẻ có thể sống và khỏe mạnh hơn”, điều dưỡng Nguyễn Thanh Sang tâm sự.
Trung bình mỗi ngày Khoa sơ sinh tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu, trong đó hơn một nửa là trẻ sinh thiếu tháng. Hàng ngày, số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa từ 170 – 180 ca. Chính vì lượng bệnh nhân đông nên mỗi kíp trực, một điều dưỡng viên nhận chăm sóc cho 10 bệnh nhi, tinh thần luôn căng như dây đàn để tiếp nhận bệnh nhân. Có những đêm, tất cả các điều dưỡng trực phải thức trắng đêm vì nhiều ca bệnh nặng, cấp cứu. Không kịp nghỉ ngơi sau một đêm dài căng thẳng, đến sáng hôm sau họ vẫn tiếp tục công việc thường nhật của mình vì không còn người thay thế.
Đúng như câu thơ của Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác, người thầy thuốc vĩ đại, hết lòng vì người bệnh đã từng viết: “Thiện tâm cốt ở cứu người/ Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu”. Lời thơ ấy giống như ngọn đèn soi sáng y đức của người thầy thuốc Việt Nam từ xưa đến nay. Tiếp nối truyền thống quý báu, ngày nay, các y, bác sĩ, điều dưỡng đã và đang giữ được cái tâm từ mẫu của một lương y, đóng góp những hy sinh thầm lặng cho nền Y học nước nhà./.