Trưa nay (10/7), sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh Đại học đợt II năm 2013, đông đảo các sỹ tử cùng với phụ huynh bắt đầu "khăn gói" về quê.

Lượng người đổ ra đường dồn dập, cùng một thời điểm đã gây ra cảnh ùn tắc cục bộ trên một số tuyến đường nhỏ hẹp và các tuyến đường dẫn ra bến xe như Chùa Bộc, Tây Sơn, Đê La Thành, Trường Chinh, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến… Trên nhiều tuyến đường có điểm thi, thí sinh và người nhà đứng tràn cả ra đường, tình trạng ùn ứ cũng diễn ra tương tự. Ai nấy đều có tâm lý muốn được ra bến xe, nhà ga thật nhanh để kịp giờ tàu, xe.

Sỹ tử thi nhau chen chân lên xe buýt cho kịp giờ về nhà
Dù thời tiết khá dịu nhưng sĩ tử và người thân vẫn hối hả, vội vã, với những tâm trạng khác nhau, buồn vui, lo âu... đan xen.
Bên trong các bến xe, nhà ga đến trưa nay gần như chật cứng người. Từ khu vực cổng cho đến điểm mua vé, khu vực phòng chờ của bến xe, người đứng, người ngồi, trên khuôn mặt từng thí sinh và phụ huynh lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hai ngày khăn gói lên Thủ đô “ứng thí”.

Nhiều người đến sớm và may mắn mua được vé trước, nhưng không ít thí sinh và phụ huynh khác phải xếp hàng chờ đợi cả giờ đồng hồ mới chen chân mua được vé xe.

Vượt hơn một trăm cây số bằng xe máy từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội để đưa con đi thi, ông Nguyễn Văn Đường vất vả thuê trọ cho hai bố con. Khác với cảnh chờ đợi con ở bên ngoài trường thi như ngày hôm qua, ngay từ sáng nay, ông Đường đã thu dọn sẵn đồ đạc để chờ con thi xong thì về quê luôn. “Hai bố con lên Hà Nội thi cũng đã mấy ngày rồi, tôi ở trên này nhưng cũng sốt ruột vì còn nhiều công việc ở nhà. Đợi cháu thi xong, thì hai bố con về quê luôn. Hai bố con đi xe máy nên cũng chủ động được thời gian, lại không phải vất vả chen chân trên xe khách”, ông Đường chia sẻ.

Những ngày thi vất vả ở Hà Nội với những khoản chi tiêu đắt đỏ đã chi phối tâm lý các bậc phụ huynh. Nên họ thường có tâm lý, thi xong ngày nào thì về quê luôn để giảm bớt chi phí đắt đỏ.

Đợi con thi xong môn cuối, bà Nguyễn Thị Hoàng (ở huyện Trực Ninh, Nam Định) cũng khăn gói “quả mướp” về quê ngay trong trưa nay. Bà Hoàng cho biết, sau mùa gặt, bà đem theo 2,5 triệu đồng để đưa con lên Hà Nội và Bắc Ninh thi hai khối A1, T. Dù đã chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể, tuy nhiên trong 10 ngày thi, chi phí sinh hoạt đã ngốn hết hơn 2 triệu đồng. Bà Hoàng nói: “Sáng nay, tôi đưa cháu đi thi sớm rồi về trả phòng, dọn đồ đạc rồi ra sẵn trường thi để chờ con. Cháu thi xong là hai mẹ con ra bến xe luôn cho kịp chuyến xe. Về nhà sớm lúc nào hay lúc đó, vì ở quê đang chuẩn bị cấy lúa, chứ ở thành phố lớn chật chội, tốn kém lắm”.

thi-7.jpg
Mẹ con bà Nguyễn Thị Hoàng (ở Nam Định) ngồi chờ xe về quê

Nhìn thấy con mình bước ra khỏi phòng thi với nụ cười tươi, các bậc phụ huynh đều hy vọng con làm bài tốt, có khả năng đỗ đạt cao. Tuy đến từ những vùng miền với hoàn cảnh kinh tế khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm hy vọng là con mình sẽ đỗ đạt./.Một số hình ảnh PV ghi nhận được tại bến xe Giáp Bát:

Trong lúc sỹ tử làm bài thi, bên ngoài phụ huynh đã chuẩn bị sẵn đồ đạc để về quê cho kịp giờ
Ông Nguyễn Văn Đường (ở Vĩnh Phúc) cho biết, hai bố con đi bằng xe máy cho chủ động thời gian và cũng không phải vất vả chen chân trên xe khách
Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của đợt hai, hàng nghìn thí sinh cùng người nhà đã đổ ra các bến xe về quê 
Bến xe buýt chật cứng người
Ai nấy đều mong được về quê sớm để nghỉ ngơi sau kỳ thi căng thẳng
Khu vực hành lang chật cứng người đứng, người ngồi chờ giờ xe chạy
Các tuyến xe khách rời bến trong tình trạng quá tải
Nhiều người không có ghế, đành phải ngồi bệt dưới nền 
Phụ huynh này vừa đợi xe, vừa gọi điện về quê để thông báo tin tức cho người nhà
Nhiều bạn trẻ không mua kịp vé, đành ngồi chờ tại sảnh bến xe