Quan sát tại trường thi, nhiều phụ huynh đã chuẩn bị hành lý sẵn sàng. Khi con mình vừa ra khỏi phòng thi, lập tức đón xe về quê luôn.
Nhiều sĩ tử và phụ huynh đã đi về quê ngay sau khi thi gây nên hiện tượng quá tải trên các tuyến xe buýt quanh các trường thi. Một số tuyến đường như Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng… có ùn tắc nhẹ sau khi tan trường thi.
Do sự khác nhau về môn thi, khối B thi môn Hóa, khối C thi môn Địa và khối D thi môn Tiếng Anh, giờ kết thúc môn thi cũng khác nhau nên không còn tình trạng thí sinh và phụ huynh ùn ùn đổ về các bến xe.
Ra khỏi trường thi là về quê luôn. |
9h sáng, tại bến xe Giáp Bát đã có nhiều thí sinh và phụ huynh mang theo hành lý bắt xe dời Thủ đô. Lượng thí sinh và phụ huynh chỉ đông lên khi mỗi chuyến xe buýt nội đô về bến. Tuy nhiên, số lượng hành khách không quá lớn, tình trạng đông đúc, ùn ứ chưa xuất hiện tại khu vực lối ra xe khách, cũng như chưa xuất hiện xe khách nào xuất bến chở quá số người quy định.
Để tránh tình trạng nhồi nhét khách, tăng giá vé xe buýt, xe khách trong kỳ thi Tuyển sinh Đại học đợt 2, ban quản lý Bến xe Nam Hà Nội đã thắt chặt trật tự tại bến xe. Theo đó, hành khách muốn vào được khu vực bãi đỗ dành cho xe khách để lên xe đi về các tỉnh thì trước tiên, bắt buộc hành khách đó phải mua vé xe. Lực lượng an ninh được bố trí ở tất cả các cửa ra vào khu vực bãi đỗ xe khách, đảm bảo không có hành khách nào không mua vé mà đi lọt.
Chen nhau lên xe buýt. |
Thấy được ý nghĩa của việc làm này, nhiều hành khách đã không vội vã, từ từ xếp hàng mua vé trong trật tự. Anh Đỗ Văn Thuận, quê ở Thái Bình, đưa con đi thi trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Ban quản lý bến xe làm như vậy là rất hay. Chúng tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều khi bắt xe về quê. Mấy ngày trước bố con tôi từ quê lên, xe khách lấy giá cao nhưng tôi vẫn phải chấp nhận để con đi thi được suôn sẻ”.
Tại bến xe Gia Lâm, do không gần các trường đại học nên số lượng thí sinh và phụ huynh đổ dồn về đây rải rác. Lượng hành khách vào bến chỉ đông như những ngày cuối tuần. Thêm vào đó, các tuyến xe buýt đi về các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên,... cũng giúp giảm gánh nặng cho các tuyến xe khách, mà giá vé lại rẻ, mật độ chạy dày đặc hơn.
Mua vé tại bến xe Giáp Bát. |
Bình tĩnh ngồi nghỉ ngơi trong nhà chờ xe khách, cô Nguyễn Thị Nhiên, quê Hải Dương cho biết: “Từ đây về Hải Dương cũng chỉ mất hơn hai tiếng nên mẹ con tôi vẫn thong thả. Giá xe khách thì cũng chẳng lo lắm vì tôi đi quen xe rồi. Trưa nắng thế này chắc cũng không đông”.
Thí sinh và người thân ngồi chờ đợi trong bến xe. |
Còn em Phạm Thanh Thủy, quê Hải Phòng, thí sinh vừa dự thi khối C trường Đại học Lao động Xã hội cho biết: “Em vừa thi xong là bắt xe buýt ra bến xe luôn mặc dù cũng không cần vội vã lắm”.
Vẫn còn nhốn nháo
Vào bến xe mua vé trước khi lên xe là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền lợi của mỗi hành khách. Tuy nhiên, không phải hành khách nào cũng ý thức được điều đó, nhất là đối với các thí sinh và phụ huynh lần đầu tiên đi thi đại học và sợ tốn thời gian là tâm lý chung của nhiều người.
Bởi vậy, những chiếc xe dù, xe không vào bến vẫn hồn nhiên bắt khách dọc đường. Lực lượng an ninh của bến xe Giáp Bát túc trực đông đúc trước cửa ra của xe khách. Số lượng thí sinh và phụ huynh đứng đợi xe ở đây cũng khá đông. Các xe khách đã xuất bến không đỗ, dừng hay “rùa bò” trên đoạn đường gần cổng ra bến xe nhưng những chiếc xe khách “lạ” chạy từ hướng Pháp Vân đi lên lại ngang nhiên bắt khách, nhồi nhét khách. Những chiếc xe lạ đó chủ yếu là xe 16 chỗ và xe 24 chỗ, chạy về các tỉnh như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình...
Chiếc xe khách này vẫn ngang nhiên bắt khách ngay tại cổng bến xe Giáp Bát. |
Bác Trịnh Văn Hưng, vừa đưa con đi thi đại học, đang đợi xe trên đường Giải Phóng, trước cổng ra bến xe Giáp Bát cho biết: “Tôi thấy đâu tiện thì bắt xe thôi. Vào trong kia (bến xe – PV) mua vé lằng nhằng lắm”.
Thêm vào đó, tình trạng trèo kéo khách của lơ xe, xe ôm cũng diễn ra khá... rầm rộ. Nhiều thí sinh sau khi thi xong, thể trạng mệt mỏi lại cứ bị người này lôi, người kia kéo, người nọ hỏi đi về đâu... khiến cho ngay cả những người kiên nhẫn nhất cũng không khỏi bực mình. Nhân viên phục vụ tại bến xe từ người bán vé, bảo vệ an ninh đến nhân viên vệ sinh cũng chưa được thân thiện, đôi lúc còn to tiếng với hành khách. Giá một chai nước lọc “nhái" tại các bến xe cũng được đội lên từ 10.000 đến 15.000 đồng khiến nhiều phụ huynh phải sốc.
Kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm nay vẫn còn tiếp tục. Trong đợt thi Cao đẳng tới, các bến xe vẫn cần có những biện phát quản lý trật tự hữu hiệu hơn.
Trong thời tiết nóng bức, lực lượng sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi vẫn hoạt động rất tích cùng với lực lượng công an giúp giữ gìn anh ninh trật tự tại các bến xe, nhà ga.../.