Bình Dương mất 10 năm để biến đổi một vùng đất vốn không màu mỡ với những cây trồng năng suất thấp, những vụ mùa bấp bênh trở thành một Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị kiểu mẫu. Tỉnh này cũng mất tròn 4 năm để xây dựng Thành phố mới Bình Dương trở thành một thành phố xanh, hiện đại. Đó là khoảng thời gian không dài. Thế nhưng, những gì mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Dương đạt được là rất đáng tự hào và được kỳ vọng nhiều trong sự phát triển chung của đất nước.

thanh-pho.jpg
Trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương ở thành phố mới Bình Dương

Thành phố mới Bình Dương là trung tâm của toàn bộ Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị tỉnh, do vậy, quá trình phát triển nhanh chóng của khu liên hợp là điều kiện quan trọng để thành phố phát triển và ngược lại. Bình Dương đang hướng đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, trong quy hoạch phát triển thành phố mới Bình Dương, chức năng quan trọng là phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ. Thành phố mới Bình Dương có diện tích 1.000 ha cũng sẽ trở thành đô thị hạt nhân kết nối với các đô thị vệ tinh của tỉnh Bình Dương và các trung tâm đô thị lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Xác định mục tiêu này, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực thực hịện đồng bộ quá trình quy họach, đầu tư xây dựng thành phố mới Bình Dương mang tầm vóc của một đô thị hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của Bình Dương và khu vực miền Đông Nam bộ trong tương lai. Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói:

“Cách tư duy như thế tôi cho là hợp lý và nó sẽ giúp cho Bình Dương trở thành một trung tâm phát triển hiện đại và nhập cuộc được với thế giới. Tôi cho rằng trong đô thị này nên có vùng công nghiệp công nghệ cao hoặc là tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, gắn với khoa học, giáo dục và đào tạo. Thì hiện nay thành phố mới Bình Dương đã có dáng dấp như vậy”.

Đến với Thành phố mới Bình Dương hôm nay, dáng vẻ hiện đại đã hiển hiện rất rõ nét ở nhiều hạng mục và dự án thành phần. Đó là sự hoàn chỉnh về hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gồm: đường giao thông, cáp điện, cáp quang. Đó là mảng xanh đô thị dịu mát, trung tâm thể dục thể thao rộng lớn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của cư dân. Đặc biệt, tới đây, Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương và trung tâm hội nghị triển lãm cũng sẽ chính thức khánh thành và đi vào họat động. Đây là một yếu tố quan trọng để Bình Dương bảo đảm tính hiện đại và chuyên nghiệp của một nền hành chính được đổi mới toàn diện.  

Ông Lê Hồng Quân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương nói: “Thuận lợi nhất là cho người dân và doanh nghiệp. Khi khu hành chính này đi vào hoạt động thì chỉ cần đi tới một chỗ để nộp các hồ sơ, thủ tục của mình và các hồ sơ này sẽ được giao trả đúng lịch hẹn theo quy định. Tại Trung tâm này có phục vụ đầy đủ tiện nghi, có điều kiện nghiên cứu, truy cập tất cả thông tin cần thiết”.

Bên cạnh đó, dự án trường Đại học Quốc tế Miền Đông với tổng số vốn 1.700 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1. Nhiều dự án quan trọng khác về đầu tư xây dựng chung cư cao cấp, nhà phố, trung tâm thương mại, nhà ở xã hội và các dự án đầu tư nước ngoài đã đi vào họat động, tạo nên bức tranh sinh động của một thành phố trẻ. Dự án liên doanh giữa Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản triển khai dự án khu đô thị Becamex Tokyu có tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD đã và đang thi công, được kỳ vọng sẽ là một khu đô thị mang đẳng cấp quốc tế. Việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với các đô thị vệ tinh trong và ngoài tỉnh đã và đang được đầu tư hoàn thiện, trong đó có dự án đường Mỹ Phước – Tân Vạn và các đường vành đai kết nối với các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như các cảng biển và sân bay quốc tế.

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ điện tỉnh Bình Dương nói: “Tôi rất ấn tượng về thành phố mới Bình Dương, trong đó gồm khu hành chính tập trung và các khu dịch vụ công nghiệp. Hiện nay việc kết nối hạ tầng đã rất hoàn chỉnh và tương lai với hệ thống giao thông hiện đại như xe bus, xe điện ngầm, tính kết nối sẽ tăng cường cao hơn. Tôi tin tưởng với cú hích đầu tiên khi Trung tâm hành chính khánh thành sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố mới Bình Dương trong tương lai”.

Như vậy, chỉ sau 4 năm xây dựng Thành phố mới Bình Dương, từ một vùng đất không mấy tốt tươi đã mọc lên những công trình quy mô lớn, hiện đại đã và đang góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Đó còn là cầu nối rút ngắn khoảng thời gian để Bình Dương phấn đấu thực hiện các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa./.