Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, chủ động đối phó với thiên tai và sự xâm lấn của tàu nước ngoài tại những vùng biển xa, trên cả nước đã hình thành những nghiệp đoàn nghề cá. Thực tế hoạt động của các tổ đội, hợp tác xã hay những nghiệp đoàn nghề cá này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Tại diễn đàn Quốc hội lần này, đại diện các tỉnh ven biển đã lên tiếng đề nghị nên phát triển nhanh những nghiệp đoàn nghề cá. Ngày 8/6 vừa qua, tại tỉnh miền trung Quảng Ngãi, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chính thức tuyên bố sẽ thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam trong tương lai gần.
Tỉnh Quảng Ngãi – nơi có ngư trường Hoàng Sa hiện đã thành lập 6 nghiệp đoàn nghề cá, thu hút gần 2.000 đoàn viên với gần 250 tàu cá tham gia. Đây cũng là địa phương có nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trên toàn quốc.
Nghiệp đoàn này được thành lập ngày 15/9/2011 tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có trên 2.000 tổ đội đánh bắt xa bờ. Việc đánh bắt theo tổ, đội đã giúp ngư dân tăng thời gian bám biển dài ngày, nâng hiệu quả đánh bắt, là chỗ dựa đáng tin cậy cho hàng ngàn ngư dân hoạt động trên biển khi gặp thiên tai hay lúc bị tàu nước ngoài ngăn cản.
Ngư dân Nguyễn Duy Nam ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết, khi chưa tham gia nghiệp đoàn, lúc ra khơi khai thác có luồng cá hay không chỉ một mình mình biết thôi. Tham gia tập đoàn, có người đi trước sau báo với nhau dễ làm hơn. Lúc gặp hoạn nạn dễ xoay sở hơn.
Tỉnh Trà Vinh, nơi có 65km bờ biển nhưng ngư dân ở đây phần lớn là nghèo. Bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu QH Tỉnh Trà Vinh cho biết, ngư dân ở Trà Vinh chủ yếu sử dụng tàu đánh bắt vừa và nhỏ, không có tàu to để ra khơi xa. Nguyên nhân là do điều kiện, khả năng về vốn có hạn, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ ít vì nếu đi xa, họ phải có sự liên kết để bảo vệ nhau, cung cấp thông tin cho nhau. Bà Khá cho rằng, chừng nào ngư dân chưa liên kết thành những tổ đội, những nghiệp đoàn thì chừng ấy ngư dân còn luẩn quẩn trong vòng nghèo đói.
“Ngư dân cần hỗ trợ vốn để đóng tàu với công suất lớn, đánh bắt xa hơn, đánh bắt được nhiều cá tôm hơn. Nhưng điều đó chưa đủ, Họ cần phải có sự liên kết, tạo thành hợp tác xã hoặc tổ đội đánh bắt để họ thông tin cho nhau về tình hình cá tôm, thông tin về thời tiết, khí hậu, bảo vệ lẫn nhau khi có sự cố khi có tàu bè của các nước láng giềng, tham gia giữ gìn biên giới trên biển. Theo tôi, Nhà nước nên có liên minh hợp tác xã, tổ chức thành nghiệp đoàn nghề cá để liên kết họ lại với nhau”, bà Khá chia sẻ.
Tại tỉnh Khánh Hòa, dù chưa thành lập nghiệp đoàn nghề cá song địa phương này đã thí điểm đề án tàu mẹ, tàu con. Tàu mẹ sẽ dẫn một đoàn khoảng 5-6 tàu con xung quanh. Tàu con sẽ đi đánh bắt, đưa về tàu mẹ để chế biến, bảo quản và đây là điều kiện trực tiếp xuất khẩu sang các nước.
Từ thực tiễn này, tại diễn đàn Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá là yêu cầu bức thiết: “Trước đây, Chính phủ đã có chương trình đánh bắt xa bờ nhưng chưa hiệu quả lắm. Tôi nghĩ, bây giờ, nếu Chính phủ có ngân sách, kinh phí hỗ trợ cho các nghiệp đoàn và ngư dân thì họ sẽ mạnh dạn đóng tàu lớn để có điều kiện vươn xa ra biển bằng các loại tàu thuyền lớn và có thể bám biển dài ngày. Nếu có chính sách hợp lý và ngư dân có cam kết rõ ràng thì ngân hàng sẽ nhanh thu hồi vốn”.
Đến thời điểm này, trên toàn quốc đã có 36 nghiệp đoàn nghề cá tại 12 tỉnh, thành phố ven biển với gần 6.000 đoàn viên. Nghiệp đoàn nghề cá ra đời đã kịp thời chăm lo, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân trên biển.
Thời gian gần đây, hoạt động của ngư dân trên các biển đảo, đặc biệt là ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa thường bị tàu nước ngoài quấy phá. Nhiều tàu cá và ngư dân của Việt Nam bị tàu nước ngoài bắt giữ trái phép, bắn cháy tàu, tịch thu tài sản, ngư cụ, cản trở hoạt động đánh bắt.
Chính vì vậy, ngày 8/6 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - Đặng Ngọc Tùng cho biết, tổ chức công đoàn đã, đang và sẽ tích cực giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện để ngư dân cả nươc tự nguyện thành lập nghiệp đoàn nghề cá, tiến tới thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam.
“Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam sẽ tham gia vào nghiệp đoàn của quốc tế, để làm sao tranh thủ mọi sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế. Ngư dân nào bị bắt nếu không có lý do chính đáng, một chiếc tàu nào của ngư dân vào nghiệp đoàn bị chìm hay bị bắt thì Nghiệp đoàn quốc tế, Tổ chức công đoàn quốc tế phải lên tiếng, có sự giúp đỡ nhất định. Cho nên liên kết nhau lại thành nghiệp đoàn nghề cá cả nước đã đành mà còn liên kết trên phạm vi cả thế giới”, ông Tùng khẳng định.
Nghiệp đoàn nghề cá không chỉ giúp ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau bám biển, xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần giữ vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc./.