Tình trạng thiếu giáo viên khiến các địa phương của tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và số lượng tiết học, đặc biệt, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá cho biết, tình trạng thiếu giáo viên ở Thanh Hoá là nghiêm trọng nhất cả nước, đặc biệt khu vực miền núi.
"Trước hết là sau khi có phân bổ chỉ tiêu biên chế của năm 2023, chúng tôi sẽ làm việc với Sở Nội vụ để tham mưu, các địa phương thiếu nhiều, các vùng đặc biệt khó khăn sẽ được chúng tôi tham mưu bố trí ưu tiên hơn. Thứ hai, tất cả các cơ sở trung học phổ thông của chúng tôi thiếu rất ít, việc tuyển dụng của khối từ mầm non đến trung học cơ sở thì thuộc về thẩm quyền của các địa phương; trong đó có một nguyên nhân nữa là thiếu nguồn, ở đây thì chúng tôi thấy trách nhiệm của cả hệ thống. Địa phương cũng phải làm việc với với ngành để chúng ta nắm bắt được cụ thể từng môn học, từng bậc học như thế nào", ông Thức nói.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030.
Tại các địa phương cấp huyện cần chủ động, tính toán lại xem địa phương mình thiếu như thế nào, tính toán lại định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để các địa phương xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018./.