Xác định, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài, việc khởi động và kích hoạt các tổ giám sát cộng đồng để truy vết thần tốc là nhiệm vụ quan trọng.
Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa về nội dung này.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn: Hiện nay trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Thanh Hoá đã có chỉ đạo cho tất cả các cấp ủy, địa phương; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cũng đã có Công điện số 08, chỉ đạo cho tất cả các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, từ tuyến tỉnh, tuyến huyện, thị xã, thành phố và các địa phương, khẩn trương tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trước mắt là đợt cao điểm cho đến ngày 31/5.
Việc đầu tiên là kiện toàn hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo. Quan trọng nhất là phải chỉ đạo được các Ban chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn, phải kích hoạt, khởi động các tổ giám sát cộng đồng để phối hợp thực hiện việc truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2; cùng với đó là giám sát các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung tại các địa phương khác, cũng như trong tỉnh về địa phương để tiếp tục theo dõi theo quy định của Bộ Y tế.
PV:Tổ giám sát cộng đồng như ông vừa nhắc tới sẽ hoạt động thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn:Đối với tổ giám sát cộng đồng, quan trọng nhất phải vận động được nhân dân cùng tham gia. Đối với lực lượng phòng, chống dịch, chúng tôi cũng tăng cường các hoạt động đào tạo, giao ban, tập huấn, để làm sao nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Đặc biệt là rà soát các trường hợp nhập cảnh trái phép hay các trường hợp từ các địa phương, địa bàn trọng điểm đang có dịch Covid- 19 theo thông báo của Bộ Y tế về địa phương mà không khai báo, vai trò của tổ giám sát cộng đồng ở các địa phương là hết sức quan trọng, để phối hợp cùng với người dân, làm sao để phòng chống có hiệu quả trên địa bàn.
Đối với công tác truy vết phải thực hiện hết sức thần tốc. Khi đã có thông tin từ Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng cũng như CDC về cho các địa phương thì trước hết phải hết sức thần tốc vì nếu như chúng ta không làm được như vậy thì dịch sẽ xảy ra trên địa bàn khi có các trường hợp dương tính.
PV:Trong trường hợp dịch bùng phát trên địa bàn, Thanh Hoá có lường trước tình huống này chưa, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn: Chúng tôi phải kích hoạt lại 98 cơ sở tập trung trên địa bàn tỉnh và phải chuẩn bị cho một tình huống dịch xảy ra ở nhiều địa phương, cũng như là có thể xâm nhập vào Thanh Hóa và nhiều người phải cách ly, chúng tôi phải sẵn sàng điều kiện các cơ sở cách ly tập trung, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Cẩn:Để việc phòng, chống dịch Covid-9 có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế quan tâm đầu tiên là vai trò của người dân và tổ giám sát cộng đồng ở các thôn, bản các xã, phường, thị trấn. Đối với người dân phải nghiêm túc thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, khi ra khỏi nhà đến những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người bắt buộc phải đeo khẩu trang. Đây là một hàng rào ngăn chặn sự lây lan rất tốt và rất hiệu quả ngay từ đầu.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nếu không cần thiết không nên tham gia vào những hoạt động tập trung đông người. Nếu như đã tham gia phải giữ khoảng cách tối thiểu theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Quan trọng hơn nữa, công tác phòng, chống dịch Covid-19 muốn có hiệu quả rất cần có sự tham gia của người dân trong việc phối hợp với tổ giám sát cộng đồng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như phun khử trùng, rà soát các trường hợp người từ vùng dịch trở về, các F1, F2. Theo dõi trong thời gian cách ly trở về địa phương và đặc biệt là phát giác các trường hợp cư trú bất hợp pháp, công tác phòng chống dịch Covid-19 mới đảm bảo được hiệu quả. Việc tham gia của người dân là phải có sự đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh./.