Đợt mưa lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra đã làm ngập hơn 16.000 hộ dân tại 18 huyện, thị của tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, nước đang rút dần, nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh tại những vùng bị ngập lụt rất lớn. Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều biện pháp để xử lý môi trường, ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Văn Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

PV: Việc xử lý môi trường sau lũ lụt là vấn đề rất quan trọng và rất cấp thiết. Những công việc cấp thiết đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Bình:Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn UBND các huyện xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường sau lũ lụt. Đồng thời, đã ứng trước nguồn kinh phí để mua hóa chất cấp cho các huyện với mục đích tiêu độc, khử trùng.

Sở Tài nguyên Môi trường đã cấp gần 900 lít hóa chất cho các huyện bị ô nhiễm. Hiện nay, theo thống kê có 18 đơn vị huyện, thị, thành phố có vùng ô nhiễm môi trường cần phải xử lý.

ong_le_van_binh_vov_qaif.jpg
Ông Lê Văn Bình trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

PV: Khó khăn nhất của Thanh Hóa trong xử lý môi trường lúc này là gì?

Ông Lê Văn BìnhHiện nay mặc dù thời tiết không còn mưa nhưng nước rút rất chậm. Tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh Thanh Hóa là nước rút tới đâu xử lý môi trường đến đấy.

Trong đó, vấn đề quan tâm nhất là thu gom, xử lý rác, đặc biệt quan trong là việc thu gom xác chết động vật, Sở Tài nguyên - Môi trường đưa mục tiêu giúp các huyện xử lý dứt điểm việc này, cử cán bộ có chuyên môn xuống trực tiếp với huyện để hướng dẫn cho địa phương xử lý môi trường.

Bên cạnh đó là giúp người dân thau rửa giếng, làm trong nước giếng, khử trùng nước ăn, để đảm bảo được chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.

PV: Việc xử lý hơn 4.000 con lợn bị chết trong một trang trại ở Yên Định được xử lý ra sao thưa ông?

Ông Lê Văn Bình:Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp đến huyện Yên Định khảo sát trang trại này. Số lượng lợn chết rất lớn vẫn đang nằm trong chuồng. Khó khăn nhất hiện nay là nước ở khu vực đó còn rất lớn, chưa tìm được chỗ để chôn lấp.

Chúng tôi xác định vị trí chôn lấp là phải cách xa khu dân cư và phải cách xa nguồn nước mặt, nước ngầm khu dân cư. Trong tình hình này thì đúng là khó khăn.

Với khối lượng lớn như vậy mà chôn lấp một chỗ thì sẽ xảy ra nguy cơ ô nhiễm môi trường sau này. Hướng xử lý là chúng tôi chia nhỏ số lợn ra để chôn lấp đúng theo quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Việc này dự kiến trong thời gian bao lâu sẽ thực hiện xong, thưa ông?

Ông Lê Văn Bình:

Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là trong ngày hôm nay phải xong. Tuy nhiên hiện nay cũng rất khó khăn. Chúng tôi đang lo về việc tìm vị trí chôn lấp. Bằng mọi cách, trong ngày hôm nay và ngày mai, tìm được vị trí là chúng tôi chôn lấp ngay.

Nếu chưa có thì chúng tôi phải thu gom xác lợn lại để phun thuốc tiêu độc khử trùng tại chỗ rồi dần dần chuyển ra hố chôn lấp, cố gắng trong ngày hôm nay và ngày mai phải hoàn thành.

PV:Cảm ơn ông!/.