Trung bình mỗi ngày, địch huy động 150-170 lượt máy bay phản lực, 70-90 lượt máy bay B52 để ném bom huỷ diệt. Thị xã nhỏ bé này hứng chịu 328.000 tấn bom đạn,  tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Thị xã nhỏ bé nép mình bên dòng Thạch Hãn đã bị san bằng. Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, từ đống tro tàn, đổ nát, thành cổ Quảng Trị đã hồi sinh.

1_dagp.jpgDi tích  lịch sử văn hóa Trường Bồ Đề chi chít vết bom đạn. Đây là  chứng tích của tội ác hủy diệt, là ký ức đau thương về một thời  khốc liệt chiến tranh.
 Ông Nguyễn Văn Tấn, năm nay gần 80 tuổi, sống trong ngôi nhà nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị, nhớ mãi những năm tháng bi thương ở quê mình. Mùa hè năm 1972, thị xã Quảng Trị giải phóng chưa được bao lâu thì súng lại nổ. Một bộ phận nhân dân được sơ tán đến vùng an toàn, số còn  lại rời nhà cửa, chạy tứ tán khắp nơi tránh đạn. Thị xã bên bờ Thạch Hãn chìm trong lửa đạn.

Ông Nguyễn Văn Tấn nhớ lại: “Trước khi bộ đội vào giải phóng, thị xã Quảng Trị rất đẹp, rợp bóng phượng vĩ với hơn 1 vạn ngôi nhà, nhưng sau 81 ngày đêm tất cả đã bị sang phẳng hoàn toàn. Hồi mới giải phóng, tôi về đây không còn ngôi nhà nào hết, toàn gạch vụn. Giữa đường toàn là lau lách, chỗ nào cũng có hố bom. Độc nhất còn lại là ngôi trường Bồ Đề. Đến bây giờ nhà cao tầng mọc lên, đổi mới quá nhiều rồi”.

Nhà đón tiếp khách thăm viếng tại Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Máu xương các anh hoà vào lòng đất bất tử với thời gian. Tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện còn lưu giữ, trưng bày di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Như dự cảm được ngày mình ra đi, anh đã bình thản viết thư vĩnh biệt người thân rằng: “Con của mẹ đã đi xa, để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã khổ nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng... Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc mai sau."

Nhớ thương đồng đội, sau chiến tranh, ông Nguyễn Thanh Bình, cựu chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã quyết định ở lại trên vùng đất này, thực hiện tâm nguyện tìm hài cốt liệt sỹ và trồng cây xanh tỏa bóng mát cho linh hồn đồng đội. Tại di tích thành cổ Quảng Trị, ông Bình đã trồng, chăm sóc vườn cây cảnh có hình đất nước, được ghép bởi 81 cây vạn tuế, tượng trưng cho 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Ông Bình kể: đồng đội ông hồi đó vào chiến trường còn quá trẻ, mang theo nhiều hoài bão và khát vọng. Có người chưa kịp hôn lên mái tóc người con gái, vào trận đầu đã hy sinh rồi. Bi hùng nhưng cũng lạc quan lắm. Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau chiến tranh thị xã Quảng Trị hoang tàn đổ nát, không còn một bóng cây nên ông thầm lặng trồng nhiều cây xanh cho thành cổ.

Công trình tượng đài chiến thắng bên bờ Bắc Thạch Hãn

“Mong ước của tôi là mảnh đất này không còn dây thép gai, không còn hố bom mà trở thành một vườn hoa. Từ chỗ đó, tôi có suy nghĩ rằng, không thể để một thị xã như thế này. Phải trồng thật nhiều cây, trước hết là cây bóng mát làm đẹp lại cho thị xã, tri ân các anh hùng liệt sỹ” – ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Bây giờ, dấu tích của sự hủy diệt trong 81 ngày đêm ấy vẫn còn rõ nét ở ngôi trường Bồ Đề nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Ngôi trường này do Hội Phật giáo Quảng Trị xây dựng năm 1959. Trong 81 ngày đêm rực lửa, trường Bồ Đề trở thành chốt chiến đấu quan trọng của quân ta, đánh trả hàng trăm đợt phản kích của địch. Hơn 40 năm qua, tỉnh Quảng Trị bảo tồn nguyên trạng ngôi trường chi chít vết bom đạn, nói lên sự tàn khốc của chiến tranh.

Thả hoa tưởng niệm tri ân các Anh hùng Liệt sỹ trên sông Thạch Hãn

Thành cổ hôm nay đã hồi sinh với nhiều công trình kiên cố, nhà cửa khang trang. Trên những hố bom, hố pháo đã xanh lại những vườn cây trĩu nặng quả ngọt. Thành cổ Quảng Trị trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Một bảo tàng 2 tầng được xây dựng giữa lòng thành cổ đã lưu giữ những hiện vật một thời bi hùng của quân và dân ta. Một Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được mô hình hoá thành nấm mồ chung, ngày ngày đón dòng người khắp nơi tìm về dâng hương tưởng niệm.

Cụm công trình Đền tưởng niệm- bến thả hoa bên bờ Bắc sông Thạch Hãn
Hiện nay, không gian đô thị mở rộng ở 2 bên bờ sông Thạch Hãn. Ngay tại khu vực bến vượt, ngày trước bộ đội tập kết lực lượng và vượt sông Thạch Hãn để chiến đấu, bảo vệ thành cổ, bây giờ là cụm công trình Đền tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ- Nhà hành lễ, Bến thả hoa và Quảng trường.

Ông Nguyễn Trí Tuân, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị cho biết: Thành cổ Quảng Trị trở thành một địa chỉ tâm linh trong hành trình trở lại chiến trường xưa và là điểm tham quan du lịch thu hút khách quốc tế.

Theo lời ông Tuân: “Trong qui hoạch phát triển đô thị, sông Thạch Hãn được xác định là trung tâm, điểm nhấn, không gian xanh đưa sông Thạch Hãn giữa lòng thị xã. Sông Thạch Hãn được xem là dòng sông tâm linh, nghĩa trang xanh của đô thị, chúng tôi quan niệm phải xây dựng một đô thị  xanh bên dòng sông đỏ”.

 

Đôi bờ Thạch Hãn hôm nay

Những ngày tháng 4 lịch sử, dòng người từ khắp mọi miền đất nước tìm về tri ân các anh hùng liệt sỹ. Mỗi bước chân, lời nói của người hành hương đều khe khẽ, nhẹ nhàng, dưới lớp cỏ xanh non này có biết bao chiến sĩ còn nằm lại và trở thành một phần trầm tích sâu dày, mạch nguồn để nuôi dưỡng quê hương Quảng Trị Anh hùng./.