Sáng 15/1, tại TP HCM, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức Hội thảo “Bàn về những giải pháp phòng chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay”, với sự tham gia của các Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành, Ban phòng chống tham nhũng các tỉnh phía Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản Trung ương và thành phố, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Sau 26 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cùng với đó tình trạng tham nhũng cũng đang ở mức báo động. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy: có đến 45% doanh nghiệp Việt Nam phải đưa hối lộ để thực hiện giao dịch với cơ quan công quyền. Từ năm 2007 – 2011, cả nước có 625 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 97 trường hợp đã bị xử lý hình sự. Riêng năm 2012 có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do có liên quan đến tham nhũng.

Thực tế cho thấy, tham nhũng đã để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Năm 2011, phát hiện tham nhũng hơn 11.400 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được khoảng 300 tỷ, tương đương với 2,6%. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo – chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Hậu quả tham nhũng ở Việt Nam đã quá rõ ràng. Theo tôi, trước hết, tham nhũng làm tổn hại đến nền kinh tế. Kinh tế tăng trưởng thấp bên cạnh nguyên nhân do khó khăn chung, nhưng sâu xa là do sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, mà Vinashin là một ví dụ.

Theo các đại biểu, tình trạng tham những ở nước ta nghiêm trọng là do hệ thống pháp luật  chưa hoàn chỉnh, còn chồng chéo và sơ hở; việc xử lý người tham nhũng chưa nghiêm minh và chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Vì thế, Việt Nam cần khắc phục những lỗ hổng về pháp luật, sửa đổi luật phòng chống tham nhũng theo hướng xử lý nghiêm trường hợp tham nhũng.Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách và giám sát minh bạch hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tham những như: đầu tư, xây dựng cở bản, thu chi ngân sách Nhà nước, đất đai, hoạt động của cơ quan pháp luật./.