Nhân dịp Ngày Thương binh – liệt sỹ năm nay (27/7), đoàn công tác Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) do nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Tổng Biên tập dẫn đầu, đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trịnh Thị Hỏi – 102 tuổi, ở khu 5 thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Mẹ Hỏi có người con trai duy nhất là liệt sỹ Nguyễn Văn Tải và là một trong những Mẹ Việt Nam Anh hùng cao tuổi nhất nước ta hiện nam.
Hỏi thăm nhà Mẹ không quá khó, bởi bất cứ người dân nào ở đây cũng quá rõ về Mẹ. Ngôi nhà yên tĩnh rợp bóng cây nằm bên cánh đồng hướng những cơn gió hè mát rượi, tiếng hát chèo văng vẳng từ chiếc radio nhỏ được đặt trên bàn. Mẹ Hỏi đang ngồi bên ghế nghe đài. Bên cạnh Mẹ là người con dâu, bà Trịnh Thị Gạt, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Tải – năm nay đã 76 tuổi, đang nhặt rau chuẩn bị bữa cơm trưa.
Biết chúng tôi tới từ Đài Tiếng nói Việt Nam, “hai bà mẹ”không khỏi vui mừng, xúc động. Bà Gạt nói, do một lần không may sảy chân bị ngã cách đây 8 năm, Mẹ Hỏi không thể đi lại được mà chỉ ngồi một chỗ, đôi khi vịn thành giường đi men trong nhà, thế nên chiếc radio nhỏ là người bạn thân thiết, gắn bó của Mẹ. Tuy vậy, trò chuyện với chúng tôi, Mẹ Hỏi vẫn luôn nở nụ cười hồn hậu, giọng nói chậm rãi và vẫn còn khá minh mẫn. Mẹ luôn nhắc đi nhắc lại câu “Tôi đã hơn 100 tuổi rồi đấy, chắc được nhờ con trai phù hộ!”. Nhắc đến người con trai duy nhất hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên tháng 3/1968, trong khóe mắt trũng sâu, Mẹ Hỏi và người con dâu không không giấu nổi sự xúc động, chen lẫn tự hào.
Mẹ bảo, Mẹ vốn quê ở xã Hà Toại (Hà Trung), từ bé đã phải đi chăn trâu, ở đợ. Người bạn đời của Mẹ không may mất sớm, khi cậu con trai Nguyễn Văn Tải mới 4 tuổi. Mẹ Hỏi cứ ở vậy làm thuê, cấy mướn nuôi con khôn lớn. Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh Nguyễn Văn Tải lên đường nhập ngũ và đến năm 1967 anh vào chiến trường B, song do lúc đó chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt nên đơn vị của anh đã ở lại chiến đấu tại Huế.
Bà Trịnh Thị Gạt xúc động kể: “Anh Tải hy sinh tháng 3/1968, song đến năm 1970 gia đình mới nhận được giấy báo tử. Lúc đó, tôi đang là Bí thư Đảng ủy xã. Giấy báo tử gửi về xã nhưng các anh sợ tôi và Mẹ Hỏi sốc nên không nói với tôi. Mãi 20 ngày sau, một chị trong Hội Phụ nữ nói nhỏ rằng sau cuộc họp lên gặp chị, rồi chị rào trước đón sau, úp mở chuyện anh Tải hy sinh và tôi đã đoán ra ngọn nguồn câu chuyện. Tuy đau đớn nhận tin, nhưng công việc đã được đảng phân công thì mình phải cố gượng dậy chăm sóc mẹ già, con thơ để hoàn thành nhiệm vụ”.
Liệt sỹ Nguyễn Văn Tải ngã xuống ở tuổi 30, để lại nơi quê nhà người mẹ già, người vợ mới 29 tuổi và 3 đứa con thơ, đứa con gái lớn nhất 10 tuổi và cậu con trai bé nhất mới 2 tuổi. Hai người phụ nữ - người mất con, người mất chồng giấu những giọt nước mắt, tựa vào nhau để sống, gánh vác cả những công việc của đàn ông để vừa lao động sản xuất và nuôi đàn con cháu thơ dại. Vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Tải chia sẻ, Mẹ Hỏi luôn động viên con dâu rằng, kháng chiến thì phải chấp nhận hy sinh. Một phần máu thịt của Mẹ và bao bà Mẹ Việt Nam khác đã gửi lại chiến trường để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc và những phụ nữ ở nhà cũng phải biết hy sinh cho dân, cho đất nước.
Giờ đây, nụ cười lại rạng rỡ trên gương mặt Mẹ Hỏi và người vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Tải. Hạnh phúc vô bờ khi năm ngoái, gia đình và chính quyền địa phương đã tổ chức đại thượng thọ cho Mẹ tròn 100 tuổi và Mẹ là người Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay. Hai người phụ nữ, hai mái đầu bạc vẫn ngày đêm quấn quýt bên nhau, yêu thương nhau như mẹ con ruột.
Bà Gạt chia sẻ: “Mẹ Hỏi đã chịu nhiều mất mát. Bố mẹ đẻ của tôi qua đời cũng đã lâu. Tôi về làm dâu mẹ đã ngót nghét 60 năm rồi nên mẹ con hiểu nhau từng li từng tí. Từ khi anh Tải hy sinh, mẹ con lúc nào cũng rau cháo có nhau. Mẹ thương tôi và coi tôi như con Mẹ đẻ ra. Tôi luôn động viên để Mẹ ăn được hai lưng cơm canh mỗi bữa để Mẹ sống lâu với con cháu”.
Đang trò chuyện với chúng tôi thì người cháu dâu của Mẹ về. Bà Gạt vui vẻ nói: “Ngày nào con cháu, chắt đến bữa là về để nấu nướng để cả nhà cùng ăn cơm. Nhà Mẹ Hỏi là tứ đại đồng đường đấy. Đang mong cuối năm nay, chắt dâu của Mẹ sinh con là thành ngũ đại đồng đường. Mong Mẹ sống lâu để làm chỗ dựa cho con cháu”.
Các con đẻ của liệt sỹ Nguyễn Văn Tải hiện đều trưởng thành, hai người đã lên chức ông, bà vàlà những cán bộ đang công tác tại địa phương, được nhân dân tin yêu, mến phục.Chứng kiến gia đình Mẹ Hỏi với 4 thế hệ sống quây quần, hạnh phúc trong một mái nhà, những ai đến thăm Mẹ đều cảm thấy nụ cười ấm áp được lan tỏa./.