Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên có trên 42.000 hộ nghèo, chiếm 13,4% toàn tỉnh. Đến hết năm nay, dự kiến Thái Nguyên sẽ chỉ còn khoảng 3% hộ nghèo, trên tổng số 314.000 hộ toàn tỉnh.

Để tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu, các chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kết hợp với các chương trình tín dụng xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh Thái Nguyên thực hiện và phát huy hiệu quả.

Xóm Chùa, xã Bình Long, huyện Võ Nhai, có 10 hộ nghèo được nhận hỗ trợ từ mô hình nhân rộng nuôi bò sinh sản. Với một con bê sau thời gian chăm sóc, nếu sinh ra bê đực thì người dân được bán, nếu là cái thì sẽ chuyển sang hỗ trợ cho hộ nghèo khác. Với cách làm này, nhiều hộ nghèo ở xã Bình Long đã vươn lên thoát nghèo.

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo phải bắt đầu từ sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân, bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, biết tự chủ vươn lên trong cuộc sống. Đó là mục tiêu hướng đến của việc xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Thái Nguyên, từ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và phù hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể đã tạo điều kiện để chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đi vào cuộc sống. Giai đoạn năm 2016- 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên đã cho gần 52 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi trên 2.200 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Ông Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Hiện nay, nhiều dự án hỗ trợ yêu cầu tiền đối ứng của dân nên khó triển khai thực hiện: "Để giảm nghèo bền vững cần chính sách cơ bản hơn. Nếu cứ hỗ trợ bằng máy móc, vật tư không hoàn chỉnh, như suất đầu tư để hỗ trợ máy cày chỉ được hỗ trợ mua đầu nổ không quá 5 triệu, người dân thì không có tiền đối ứng 10 triệu mua thiết bị kèm theo, tổng 15 triệu thì máy cày mới có thể sử dụng được".

Cùng với chính sách hỗ trợ sản xuất, thời gian qua chính sách an sinh xã hội cũng được tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai. Theo đó, tất cả các hộ nghèo cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm hỗ trợ học phí cho gần 186.000 học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số... Ông Lê Văn Quý, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Phú Lương, cho biết Thái Nguyên có nhiều khu công nghiệp, vì vậy việc sử dụng hiệu quả lao động là người địa phương sẽ góp phần xóa nghèo bền vững.

"Huyện đã có nhiều kế hoạch lồng ghép để giảm nghèo như cho vay vốn hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất, tuyên truyền để người dân đi làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vì chỉ một người đi lao động là có thể giúp người dân thoát được nghèo", ông Quý nhấn mạnh.

Để chương trình giảm nghèo bền vững  phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm, lấy ý kiến người dân, các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng. Qua đó, đã đề xuất, đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo phù hợp, hiệu quả hơn trong quá trình triển khai thực hiện. Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên, kiến nghị: "Còn có những bất cập như việc trang bị máy móc cho nông dân là không nên đầu tư cho một nhóm người mà nên cho một người cụ thể để có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, vận hành. Hay việc thanh toán một máy bơm 5 triệu cũng phải có hóa đơn đỏ nên xem xét. Nên bớt cho không như tiền điện, tiền hỗ trợ 100.000/ khẩu/năm vì ít nhỏ lẻ không mang tính xã hội. Đối đồng bào thiếu đất, thiếu tư liệu sản xuất cần phải có quy hoạch cụ thể thì mới đầu tư được bài bản, lâu dài".

Dự kiến trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững đối với người nghèo. Từ thực tế, kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, Thái Nguyên sẽ có quyết sách hiệu quả để công tác giảm nghèo đi vào cuộc sống./.