Những năm trước, thời điểm này người Mông đang ăn Tết. Năm nay, các bản làng người Mông ở Yên Bái không tổ chức Tết riêng nữa, mà sẽ lùi lại ít ngày để ăn chung Tết Nguyên đán với đồng bào cả nước. Ngoài sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của bà con người Mông, việc chuyển đổi thời gian ăn Tết này còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp ở Yên Bái.
Theo thông lệ, người Mông ở Yên Bái ăn Tết trước Tết Nguyên đán một tháng, vào khoảng đầu tháng 12 Âm lịch. Tết của người Mông diễn ra đúng thời điểm đang vào vụ đông xuân, các địa phương đang phải dành sức người cho sản xuất.
Hình ảnh người Mông vui Xuân |
Thời điểm này, con em của đồng bào Mông cũng đang bận công tác, học tập ở xa, khó có điều kiện về đoàn tụ, vui Tết cùng gia đình. Chính vì vậy, việc ăn chung một Tết vào dịp Tết Nguyên đán cùng đồng bào cả nước là phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, cũng như nguyện vọng của đa số các gia đình, nhằm không làm ảnh hưởng tới các hoạt động lao động, sản xuất, học tập...
Được xã tuyên truyền chủ trương ăn chung một Tết, không những vui mừng, phấn khởi hưởng ứng, mà anh Giàng A Lử ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải còn thuyết phục anh em họ hàng thực hiện. Anh Lử chia sẻ: “Ăn chung một Tết sẽ rất vui, nhà nhà được đoàn tụ đầy đủ, công việc đồng áng cũng thuận lợi, không bị bê trễ, thời vụ đảm bảo. Vui nhất là đám trẻ, chúng đảm bảo lịch học và thi ở trường. Ăn chung một Tết cũng sẽ tiết kiệm hơn, trước đây ăn xong Tết Mông lại ăn luôn Tết Nguyên đán nên rất tốn kém”.
Chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một Tết đã được tỉnh Yên Bái và các địa phương triển khai sâu rộng tới 100% thôn, bản và hộ dân. Mấu chốt của quá trình vận động là từ chính các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ.
Ông Giàng A Tông, chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Tại các hội nghị già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín chúng tôi nhận được sự đồng thuận rất cao của các già làng và đồng bào về việc ăn Tết chung”.
Cuộc vận động đồng bào Mông ăn chung một Tết còn nhận được sự vào cuộc của đồng đảo cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên người dân tộc Mông. Họ chính là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc ăn Tết sớm, nhiều khi vừa lo lao động, công tác, học tập vừa phải lo nghĩ làm sao có thể đón Tết cùng gia đình. Từ chính những suy nghĩ và hiểu biết của mình, họ đã vận động gia đình mình, anh em họ hàng và bạn bè mình hưởng ứng chủ trương ăn chung một Tết.
Để đồng bào Mông đón Tết Nguyên đán cùng đồng bào cả nước được ấm no, an vui, các địa phương trong tỉnh Yên Bái, đặc biệt là hai huyện có đông đồng bào Mông sinh sống là Trạm Tấu và Mù Cang Chải đang có những hỗ trợ cho người dân như: tặng quà, tặng gạo, tặng chăn và áo ấm... Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất để người dân có thể hoàn thành đúng khung lịch thời vụ trước khi Tết về.
Nhiều họ đồng bào Mông cho biết, bây giờ chỉ phải lo một cái Tết lại được nhà nước hỗ trợ nên đỡ vất vả rất nhiều, việc đón Tết muộn hơn cũng tạo điều kiện đi mua sắm, chuẩn bị kỹ hơn cho ngày Tết.
Những cái lợi thì đã thấy rõ, đồng bào còn vui mừng hơn vì những phong tục, tập quán sẽ không bị mai một mà còn được phát huy cao hơn. Các nét đẹp văn hóa như: cúng tổ tiên, thần linh, làm bánh dày, ném Pao, múa khèn, múa ô, chơi quay… từ giờ không chỉ người Mông tự tổ chức với nhau, mà sẽ hòa cùng với không khí đón năm mới của đồng bào cả nước.
Ông Hoàng Đức Quế, Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy Yên Bái cho biết: “Tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để các địa phương có đồng bào Mông tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động xã hội khác, nhằm vừa phát huy bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Mông, vừa tạo điều kiện cho đồng bào được hưởng thụ những tinh hoa văn hóa của cả dân tộc. Ăn chung một Tết, nhưng đồng bào Mông không bị mai một bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà tất cả những gì thuộc về phong tục, tập quán của đồng bào Mông vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển”.
Những cành hoa đào, hoa mận đã bắt đầu tô điểm núi rừng Tây Bắc. Một mùa xuân mới lại về. Đón Tết Nguyên đán cùng người dân cả nước, đồng bào Mông ở Yên Bái đang hướng về về một cuộc sống ấm no, giàu đẹp và văn minh hơn./.