“Tết này có về quê không?” có lẽ là câu hỏi được nhiều người hỏi nhau nhất trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Về quê để đoàn viên cùng gia đình đón Tết, đã trở thành nét truyền thống bao đời nay trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. 

Phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) về hình ảnh “gia đình Việt” ngày Tết.

“Tết là để về nhà”

PV: Theo ông, giá trị truyền thống đặc trưng nhất của gia đình Việt Nam trong ngày Tết cổ truyền là gì?

hoa_huu_van_fasy.jpg
Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình
Ông Hoa Hữu Vân:Khi nhắc đến Tết, tức là chúng ta nói đến Tết Nguyên đán, để phân biệt với những cái Tết khác của đồng bào trong cộng đồng. Tết Nguyên đán đã có từ xa xưa với hàng nghìn đời nay, đã trở thành giá trị văn hóa mang tính ý thức hệ của người Việt Nam.

Có thể thấy, đặc trưng lớn nhất, rõ nét nhất trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam đó là Tết của gia đình, Tết của sự sum vầy, đoàn viên. Cùng với đó là để tri ơn tổ tiên, những người dưỡng dục, sinh thành nên chúng ta. Người Việt tri ơn tổ tiên bằng các hoạt động như sửa sang, thăm viếng phần mộ; làm mâm cơm cúng gia tiên vào những ngày trọng như chiều 30 Tết, sáng mùng một…

PV: Liệu những giá trị này có bị mai một, tác động bởi cuộc sống hiện đại ngày nay?

Ông Hoa Hữu Vân:Trong bối cảnh của cuộc sống đương đại, có thể nói những giá trị đó về cơ bản vẫn giữ được trong hầu hết các gia đình Việt Nam. Nhưng trong nhịp sống của ngày hôm nay, đã có những phần bị phai nhạt đi đôi chút. Bởi ngày Tết xưa dân gian chỉ nói đến “3 ngày Tết”. Còn bây giờ, vào dịp Tết hầu như các cơ quan, tổ chức – gần như là bộ  mặt của xã hội – nghỉ không dưới 7 ngày.

Cho nên, bên cạnh những giá trị đặc trưng được bảo tồn, thì nhiều hoạt động khác của “Tết nay” chen vào như đi du lịch, ăn uống kéo dài… cũng khiến những giá trị truyền thống không còn như xưa.

Ngày Tết ấm cúng nhất vẫn là bữa cơm đoàn viên (Ảnh: Đỗ Hưng)

PV: Đúng như ông nói, gia đình rất thiêng liêng trong những ngày Tết, thế nên mới có câu hát “dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình”. Là người làm công tác gia đình, ông cảm nhận điều này như thế nào?

Ông Hoa Hữu Vân:Tôi nghĩ, mọi người chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, cần nhớ rằng là Tết là để về nhà. Chúng ta nói “về quê ăn Tết”, “về nhà ăn Tết” cơ mà! Ở đây không chỉ là “ăn”, mà về còn để gặp gỡ người thân, để đoàn viên, sum họp, tri ơn, mong ước, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới.

Bằng những câu hát có ý nghĩa trong những ngày Tết như thế, tôi nghĩ giá trị gia đình sẽ mãi được lưu truyền. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên khuôn cứng đến mức độ không thể “về ăn Tết” có nghĩa là những người coi thường gia đình, không được tôn vinh. Song, nếu có điều kiện, tốt nhất hãy trở về ngôi nhà của mình, quê hương của mình.

Tất nhiên, với những người làm công tác đặc thù như bộ đội, công an, y tế, lao công… họ rất đáng trân trọng, chia sẻ, cảm thông và xã hội phải tri ơn họ. Trong tâm thức của mọi người mong muốn Tết là để về nhà, vì thế để những gia đình khác được ấm áp thì có sự đóng góp của họ.

PV: Ngày nay có hiện tượng người trẻ hay đi đón Tết ở những khu vui chơi giải trí, vào Nam… Như vậy có làm mất đi ý nghĩa đoàn viên gia đình, hay quan niệm "về quê đón Tết" không, thưa ông?

Ông Hoa Hữu Vân:Đặc trưng Tết cổ truyền như tôi đã nói ở trên, nhưng do chúng ta có sự giao lưu nhiều với các nền văn hóa khác; điều kiện, thời gian nghỉ Tết kéo dài nhiều hơn cho nên có những bạn trẻ không trở về nhà của cha mẹ, ông bà trong dịp Tết mà đi du lịch.

Điều đó tôi nghĩ không nên trách các bạn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các bạn ấy có nghĩ về cha mẹ mình, những người ở nhà, ở quê hay không mới là điều quan trọng. Tôi cho rằng, các bạn vẫn có thể đi du lịch nơi này nơi kia. Nhưng ít ra trong những ngày Tết, hoặc trong những giờ phút linh thiêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, thì nên có lời chúc gửi tới cha mẹ, họ hàng, những người thân thiết, thầy cô… Dù là một cuộc điện thoại, hay tấm thiệp chúc mừng cũng làm ấm lòng những người ở nhà.

Mâm cơm chiều 30 mang giá trị bất biến

PV: Ngày trước, trẻ em háo hức cùng cha mẹ chuẩn bị đón Tết, dọn dẹp, gói bánh chưng. Còn bây giờ hình ảnh đó ít đi, thay bằng đi siêu thị mua sắm, thuê người làm; cha mẹ thì lo kiếm tiền để mua quà biếu, lì lì... Chúng ta có lo ngại “Tết cổ truyền" một ngày nào đó sẽ bị thay thế bằng "Tết hiện đại"? Gia đình Việt có nên giữ lại những hình ảnh “Tết xưa" như vậy không, thưa ông? 

Ông Hoa Hữu Vân:Rõ ràng Tết xưa so với Tết nay có những nét khác biệt. Điều kiện sống ngày nay tốt hơn, thu nhập cũng tăng hơn; các dịch vụ xã hội phong phú hơn và có thể sẵn sàng cung ứng được tất cả các điều kiện cho mọi gia đình để có thể chuẩn bị cho ngày Tết.

Thế hệ trước không ai có thể quên hình ảnh nhà nào cũng tất bật lo toan dọn dẹp nhà cửa, rồi rửa lá, gói bánh, luộc bánh… Điều đó vô cùng có ý nghĩa. Tôi nghĩ, đây vẫn là những hình ảnh đẹp đẽ, ấm áp nhất trong những ngày Tết.

Song đối với cuộc sống hiện nay, chúng ta cũng không thể khô cứng sao chép hoặc lưu giữ một cách quá máy móc những hình ảnh như thế được. Những dịch vụ ngày nay đã góp phần giải phóng sức lao động của con người, cũng như các gia đình, để mọi người có thời gian nghỉ ngơi, thăm nhau, vui chơi…

Tuy nhiên, nếu để lưu truyền lại về sau, tôi nghĩ mâm cơm cúng của chiều 30, sáng mùng một Tết vẫn mang giá trị bất biến. Bởi vừa ấm áp không khí gia đình, nhưng lớn nhất là thể hiện sự tri ơn với tổ tiên và với cả những điều khác nữa. Điều này đậm ý nghĩa thiêng liêng trong những ngày Tết.

PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông cùng gia đình năm mới hạnh phúc, thịnh vượng./.