Tỉnh Quảng Bình đã vận động ngư dân tham gia mô hình thu gom rác thải trên tàu cá nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngư dân xả rác thải trực tiếp ra biển, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Những ngày này, tại cửa Roòn, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, những tiếng còi từ đội tàu cá đánh bắt xa bờ vang lên, ngư dân ra khơi đánh bắt vụ cá mới trong năm. Phía sau đuôi mỗi con tàu đều có 2 túi lưới hoặc giỏ đựng.
Ông Lê Ngọc Tình, 54 tuổi, ở xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, chủ tàu QB 93561TS cho biết, ông gắn túi lưới phía sau tàu cá để thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày khi đánh bắt trên biển. Ông Tình là một trong những ngư dân đầu tiên đăng ký thực hiện mô hình thu gom rác thải trên tàu cá mang về bờ. Một túi đựng rác tái chế như chai nhựa, vỏ lon, túi còn lại đựng rác thải không thể tái chế. Ông Lê Ngọc Tình cho biết, mỗi chuyến biển khoảng 20 ngày, 1 tàu cá xả ra khoảng 10kg rác thải.
“Anh em nhắc nhở nhau trên các đoàn tàu cùng nhau để bảo vệ môi trường bến bãi và biển được sạch. Sau khi sử dụng rác thải thì mình không vứt ra biển mà phải mang về, giúp làm sạch cho môi trường”, ông Tình nói.
Tàu vừa cập bờ, trong lúc các bạn thuyền đang chuẩn bị đưa cá lên bán cho thương lái thì thuyền trưởng tàu QB 93688TS - Nguyễn Vinh Bảo, ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch vội xách 2 túi rác phía đuôi tàu lên bãi tập kết rác. Ông Bảo hóm hỉnh: một bao đựng túi nilon và rác không tái chế thì mình cho vào bãi tập kết, còn bao kia đựng vỏ lon bia, chai nhựa thì đem bán ve chai, có tiền mua nước giải khát cho anh em bạn thuyền.
“Cách làm cũng đơn giản và ngày càng có tiến triển. Âu tàu, khu neo đậu ở đây cũng thay đổi rõ rệt, không có rác thải vứt xuống nên sạch sẽ bến bãi hơn nhiều”, ông Bảo chia sẻ.
Xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch được chọn làm đơn vị triển khai điểm mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ”. Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, tổ trưởng các tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển, tổ biển xa... có uy tín trong cộng đồng được chọn làm nòng cốt, tiên phong thực mô hình.
Ngư dân được hướng dẫn làm túi thu gom đựng rác thải với vật liệu tận dụng lưới đánh cá hỏng, không làm phát sinh chi phí. Chính quyền địa phương cũng bố trí nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ tại các điểm tập kết để thu gom rác thải. Ông Đồng Vinh Quang tin tưởng, việc làm này sẽ lan tỏa rộng hơn, trở thành ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng ngư dân bảo vệ môi trường biển.
“Triển khai mô hình thu gom rác thải trên biển, làm sao để giảm bớt rác thải trên biển, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác. Sau khi phát động mô hình này thì ý thức của người dân ngày càng cao so với khi chưa phát động”, ông Quang cho hay.
Quảng Bình hiện có gần 7.800 tàu cá trong đó có hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Mỗi chuyến biển, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho việc khai thác dài ngày trên biển. Vì thế mà lượng rác thải trên các tàu rất nhiều, nếu xả trực tiếp xuống biển sẽ hủy hoại hệ sinh thái thủy sinh và làm ô nhiễm môi trường biển.
Ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, lưới đánh cá trôi nổi, chai nhựa, túi nilon rất nguy hại cho các loài nguy cấp, quý hiếm như cá heo, cá voi, rùa biển... Năm 2022, Chi cục Thủy sản Quảng Bình phấn đấu có 100% tàu cá đánh bắt xa bờ tham gia thu gom rác. Theo ông Hoàng Viết Thông, nếu tất cả các tàu cá Quảng Bình tham gia mô hình sẽ thu gom số lượng rác thải rất lớn, có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn tấn rác thải mỗi năm.
“Khi nào ngư dân thành thói quen thì khi đó mới yên tâm, còn khi nhắc thì bà con ngư dân mới làm, không nhắc không làm thì vẫn chưa ý nghĩa. Ngay bây giờ và lâu dài, phải thường xuyên nhắc nhở đến khi ngư dân có ý thức về thu gom rác thải nhựa để góp phần nào đó trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Thông nhấn mạnh./.