Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm áp lực khi tăng viện phí có tính thêm yếu tố tiền lương từ 1/7, Bộ Y tế dự kiến chia nhỏ việc tăng giá dịch vụ y tế lần này thành 5 đợt. Trước mắt sẽ tăng viện phí tại những tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao.

vien_phi_fbrh.jpg
Viện phí sẽ gánh cả lương của y bác sĩ

Theo thông tư của liên Bộ Y tế và Tài chính, từ 1/7, mức giá của gần 2.000 dịch vụ y tế sẽ được tính thêm cả tiền lương của y, bác sỹ vào viện phí. Cùng với đó, ngân sách Nhà nước sẽ không cấp tiền lương cho các bệnh viện nữa.

Nhằm giảm áp lực cho người dân và không để ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi thực hiện tăng giá viện phí, Bộ Y tế quyết định không thực hiện đồng loạt mức giá viện phí mới  trong cùng một thời điểm mà thực hiện thành 5 đợt từ nay đến đầu năm 2017. Mỗi đợt thực hiện đối với 10 tỉnh, thành phố và các bệnh viện Trung ương trên địa bàn.

Dự kiến việc tăng viện phí đợt 1 sẽ thực hiện vào cuối tháng 8 tới, áp dụng với các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 95%. Đợt 2 thực hiện vào tháng 10 tới tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế khoảng 90% và có mức tác động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp. Đợt 3 được thực hiện vào tháng 11 tại những nơi có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85%. Đợt 4 thực hiện trong tháng 12 tại các địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 80%. Đợt 5 thực hiện vào tháng 1/2017 tại các tỉnh, thành phố còn lại.

Trong đợt tăng viện phí lần này có tính thêm tiền lương nên nhiều dịch vụ kỹ thuật có mức giá tăng cao như: tiền ngày giường; chi phí các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc biệt và những kỹ thuật loại 1 có từ 7 đến 8 bác sĩ tham gia trong nhiều giờ đồng hồ. Ngược lại, các dịch vụ có mức giá tăng thấp vì sử dụng ít nhân lực như: các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán và xét nghiệm./.