Hội nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2016 của Mạng lưới hỗ trợ người cao tuổi với chủ đề “Những tác động kinh tế của già hóa”, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 – 7/9 nhấn mạnh: Già hóa dân số tác động rất lớn đến nền kinh tế của các nước do dân số trong độ tuổi lao động giảm sút trong khi gia tăng số người cao tuổi phụ thuộc.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dân số Việt Nam với tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh từ 6,9% năm 1979; 7,2% năm 1989; 8,1% năm 1999; 9% năm 2009 và hiện nay là hơn 10,5%. Dự báo đến 2030, cứ 6 người Việt Nam có 1 người cao tuổi. Nếu tiếp tục như vậy thì 50 năm nữa, 4 người Việt Nam có 1 người cao tuổi.
Các chuyên gia khuyến nghị, việc có các chính sách nhằm chuẩn bị cho sự chuyển đổi nhân khẩu học này là vô cùng cần thiết. Đối với Việt Nam, già hóa dân số đang đặt ra thách thức rất lớn, đặc biệt liên quan đến nguồn lực và kinh nghiệm ứng phó một cách hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm trả lời phóng viên về vấn đề này:
PV: Thưa Thứ trưởng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh già hóa dân số ở nước ta hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm:Chúng ta cũng đã tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hóa dân số, cũng như tận dụng được năng lực, chuyên môn, trình độ của lớp người cao tuổi – những người bước sang tuổi 60 đối với nam, trên 55 đối với nữ.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trả lời báo chí |
Tuy nhiên, vấn đề tăng tuổi làm việc phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trước hết là nguồn nhân lực phải đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nếu thiếu nhân lực thì có thể phải kéo dài tuổi nghỉ hưu. Thứ hai là nâng, kéo dài tuổi nghỉ hưu như thế nào để vừa sử dụng tốt lớp người cao tuổi nhưng lại phải tạo cơ hội cho lớp trẻ, nhất là thế hệ được học hành, đào tạo bài bản có cơ hội được làm việc và cống hiến. Sự hài hòa ở đây rất quan trọng.
Kéo dài tuổi lao động, tuổi nghỉ hưu cũng có ý nghĩa tác động tới đóng góp vào quỹ an sinh xã hội, quỹ BHXH được vững vàng, không có nguy cơ bị thiếu hụt khi chi trả cho lớp người cao tuổi. Theo tôi, muốn tận dụng được cả lớp lao động trẻ và lao động có tuổi để ai cũng được cống hiến, làm việc, điều cốt lõi nhất là phải phát triển kinh tế, cũng như các loại hình dịch vụ để tạo nhiều cơ hội làm việc.
Tăng tuổi nghỉ hưu, chúng ta cũng phải tính đến vấn đề giới giữa lao động nam và nữ, tính chất ngành nghề, không thể có tuổi nghỉ hưu chung cho tất cả các loại hình. Bởi trong kinh tế có rất nhiều ngành nghề mà nếu kéo dài tuổi sẽ không phù hợp.
Cho nên, khi nghiên cứu xây dựng luật pháp quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán làm sao phù hợp về sức khỏe, sức vóc con người Việt Nam. Ví dụ kéo dài lên 62 hay 65 tuổi có đảm bảo làm việc tốt được không? Chúng ta phải có lộ trình giống như các nước dựa trên các yếu tố như: nguồn lao động, sức vóc, kinh nghiệm, thị trường…
Ở Việt Nam, hiện chỉ có khu vực chính thức quy định tuổi nghỉ hưu, còn phần lớn ở khu vực phi chính thức, người lao động thông thường vẫn làm việc khi về già.
PV: Sự khác biệt về già hóa dân số giữa Việt Nam và các nước là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Điều khác biệt rõ nét được nhiều chuyên gia đã đúc kết đó là: Đối với các nước, giàu rồi mới già, còn Việt Nam là già trước khi giàu. Ở đây có sự khác biệt rất lớn. Điều đó đặt ra cho chúng ta rất nhiều thách thức, đặc biệt vấn đề an sinh, dịch vụ xã hội để đảm bảo chăm sóc cho người cao tuổi.
Người cao tuổi Việt Nam hiện nay sống phải sống chung với nhiều loại bệnh tật |
Người cao tuổi ở Việt Nam có đặc điểm là sức khỏe hạn chế. Tuổi thọ người Việt Nam gần 75, nhưng có tới trên 10 năm sống cao tuổi nhưng đau yếu. Môi trường sống, điều kiện sống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi chưa tốt nên chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hệ thống BHXH, BHYT, tiếp cận đi lại, hưởng thụ văn hóa tinh thần… cũng còn nhiều hạn chế. Ở Việt Nam, đa số người cao tuổi sống ở nông thôn, có người từ lúc trẻ đến khi già không ra khỏi địa phương. So với các nước là rất khác biệt. Ví dụ như Nhật Bản, người cao tuổi đi du lịch khắp thế giới, họ vừa khỏe mạnh vừa có điều kiện kinh tế. Do đó chúng ta phải phấn đấu nhiều.
PV: Vậy với số lượng người cao tuổi đông đảo, đa số sống ở nông thôn, nơi có điều kiện khó khăn, chúng ta có chính sách nào hỗ trợ nhóm đối tượng này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Việt Nam đã có Luật về người cao tuổi từ năm 2010, cũng như Chương trình hành động quốc gia hỗ trợ người cao tuổi giai đoạn 2012 – 2020. Trong đó quy định chi tiết các chính sách về chăm sóc và phát huy đối với người cao tuổi, tập trung vào vấn đề chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần, đặc biệt là trợ giúp xã hội đối với những người từ 80 trở lên mà không có lương hưu.
Ngoài các chương trình toàn quốc, ở nông có chương trình giảm nghèo, tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề đời sống, việc làm, thu nhập ở các gia đình nghèo, trong đó ưu tiên các gia đình có người cao tuổi. Các chính sách như hỗ trợ nhà ở, chăm sóc y tế, bảo đảm nước sạch, vệ sinh, thông tin… cũng ưu tiên và tiến hành trước đối với các gia đình có người cao tuổi.
Cho dù chúng ta rất cố gắng nhưng nhìn chung an sinh xã hội còn rất nhiều hạn chế, bất cập, diện bao phủ còn hẹp. Đối với BHYT, hiện còn một bộ phận người cao tuổi, nhất là ở nông thôn, có mức thu nhập dưới mức trung bình tham gia còn ít. Mức trợ giúp đối với người cao tuổi thấp, từ năm 2016 mới nâng lên được mức 270.000 đ/tháng; diện bao phủ hẹp, chỉ dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu.
Đối tượng người cao tuổi có BHXH cũng đạt tỷ lệ thấp. Do rất nhiều người lúc trẻ khỏe làm ở khu vực phi chính thức không tham gia BHXH, cho nên khi về già không có nguồn thu nhập, sống dựa vào con cái và vẫn phải lao động.
Cho nên tới đây, một mặt phát triển hệ thống chính sách BHXH, chúng ta cần có chính sách khuyến khích người dân tham gia, kể cả bảo hiểm tự nguyện; khuyến khích các khu vực phi chính thức có trách nhiệm để người lao động tham gia mua bảo hiểm bắt buộc, để tăng diện bao phủ chính sách BHXH.
Đối với BHYT, hiện nay tỷ lệ chung toàn quốc đạt gần 75%. Đối với bộ phận còn lại, chúng ta sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền vận động để họ tham gia, làm sao đạt mục tiêu đến 2020 về cơ bản bao phủ được toàn dân có BHYT. Căn cứ vào đặc điểm kinh tế - xã hội những năm tới đây, ngành lao động sẽ tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ xem xét hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống đưới 80 tuổi.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.Người cao tuổi thất nghiệp: Đang lãng phí nguồn nhân lực