Một trong những thay đổi lớn nhất trong chiến lược phòng chống COVID-19 kể từ khi siết chặt giãn cách (ngày 23/8) ở TP.HCM là chuyển từ xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm sang xét nghiệm diện rộng toàn địa bàn. Tận dụng thời gian tăng cường giãn cách xã hội, TP.HCM tăng tốc xét nghiệm nhằm xác định F0, từ đó phân loại để có hướng điều trị phù hợp. Đến tận ngõ, gõ từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm
Bắt đầu từ 23/8, TP.HCM đã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần ở khu vực nguy cơ là vùng đỏ và vùng cam. Nhiều ngày qua, tình nguyện viên Nguyễn Hữu Đạt, khoa Y học Dự phòng, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM tham gia đội lấy mẫu của Quận 3 đã đến từng hộ dân để cấp phát sinh phẩm test nhanh và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm tại nhà. Việc làm này vừa giúp giảm nhân lực y tế, vừa đẩy nhanh việc phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để bóc tách, khoanh vùng và dập dịch.
"Khó khăn của người dân nhất trong việc test nhanh này là lấy đúng vị trí, thấm đủ dung dịch thì mới được. Mình phải hướng dẫn người dân cẩn thận"- anh Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ.
Đối với khu vực vùng xanh và vùng vàng, TP.HCM làm xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 5 cho vùng vàng và mẫu gộp 10 cho vùng xanh) với tần suất 7 ngày/lần. Bà Đoàn Thị Thanh Điệp, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung cho biết địa phương đã triển khai “xét nghiệm thần tốc” với nhiều hình thức “chạy đua’ để kịp tiến độ đề ra. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình xét nghiệm, địa phương đã bố trí địa điểm lấy mẫu trên địa bàn, huy động lực lượng điều phối để sắp xếp, phát phiếu, hạn chế tối đa việc tập trung nhiều người cùng một thời điểm để đảm bảo giãn cách, tránh lây nhiễm chéo. Các cán bộ lấy mẫu thực hiện nghiêm quy định an toàn xét nghiệm. Với 10 đội lấy mẫu làm việc không ngừng nghỉ, phường Linh Trung đã nhanh chóng phát hiện khoảng 60 F0 để đưa đi cách ly điều trị.
"Các tổ lấy mẫu sẽ đi đến từng hẻm, gõ cửa từng nhà để người dân ra, đảm bảo được việc giãn cách và tất cả người dân trong vùng nguy cơ cao. Các đội lấy mẫu còn lấy thêm ngoài giờ, nếu trời không mưa vẫn lấy tiếp tục xuyên suốt, đến tối luôn, khi nào xong kế hoạch mình đề ra thì nghỉ"- bà Đoàn Thị Thanh Điệp cho biết.
Tại TP.Thủ Đức, ngay trong ngày 31/8 cơ bản xét nghiệm xong lần 2 cho cư dân ở trong vùng cam và vùng đỏ, đạt tỉ lệ 100%; các vùng khác đã đạt trên 50% và cũng đang được đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu.
Tìm sớm F0 - chủ động phân tầng điều trị
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phạm Xuân Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức cho biết, sau khi thực hiện xét nghiệm diện rộng, tỉ lệ ca mắc COVID-19 được phát hiện tăng cao trong thời gian đầu, nhưng đã giảm dần những ngày sau đó, do các vùng đỏ và vùng cam được thu hẹp lại. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm, TP.Thủ Đức nhanh chóng đưa vào điều trị, thực hiện phát túi thuốc tại nhà cho F0.
"Việc chạy kết quả xét nghiệm khẳng định giúp phân tầng, chuyển tuyến điều trị kịp thời. Ví dụ những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, không có điều kiện cách ly điều trị tại nhà thì việc xét nghiệm PCR để chuyển bệnh nhân đến tuyến điều trị theo quy định"- BS Phạm Xuân Hải cho biết.
Trên địa bàn TP.Thủ Đức hiện có 3 bệnh viện có thể xét nghiệm khẳng định PCR, tuy nhiên do nhu cầu cao, đông dân cư, địa phương đã được tăng cường xe xét nghiệm lưu động, giúp giảm tải cho các bệnh viện và nâng cao năng lực xét nghiệm. Xe xét nghiệm lưu động được Bộ Y tế giao cho Viện Pasteur TP.HCM quản lý, sử dụng. Viện phối hợp với Trường Đại học Y dược TP cử lực lượng thực hiện các xét nghiệm trên xe. Nếu như trước đây, các mẫu xét nghiệm PCR có hiện tượng tồn đọng thì hiện tại, mẫu được chuyển trực tiếp về xe xét nghiệm lưu động để thực hiện tại chỗ.
Trên xe xét nghiệm có 2 ê-kip, mỗi ê-kip gồm 10 người do các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Y dược TP.HCM đảm trách, dưới sự hỗ trợ chuyên môn và sinh phẩm, vật tư của Viện Pasteur và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).
"Tôi xuống đây từ ngày 25/8, đến nay những mẫu tồn đọng đáp ứng 24h, trả đầy đủ, hiện tại đáp ứng khá tốt nhu cầu của địa phương. Thời gian đầu, do khó khăn về sinh phẩm thì làm mẫu gộp với 500-600 mẫu gộp một ngày. Trong thời gian tới sẽ khắc phục để nâng cao hơn"- ThS Đinh Quốc Long, giảng viên bộ môn xét nghiệm Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết.
Thực hiện kế hoạch từ 23/8, TP.HCM đã phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng, bình quân mỗi ngày 4.740 ca, tỉ lệ F0 chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm. HCDC cho biết, tính đến ngày 1/9, toàn TP có 91.505 ca F0 đang được cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 64.768 ca F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.737 ca F0 sau xuất viện tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận huyện là 26.737 người.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết số F0 trong cộng đồng gia tăng đã được ngành y tế TP dự báo và có sự chuẩn bị để “đón đầu”; việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng chủ động hơn khi có nhiều tầng. Do vậy, dù số ca F0 được phát hiện tăng cao nhưng không xảy ra “vỡ trận”, thiếu chỗ chăm sóc điều trị. Hiện TP.HCM cũng đã thiết lập được 413 trạm y tế lưu động, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các F0 đang cách ly tại nhà./.