Theo Hiệp hội Dệt may, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… đang gây rất nhiều khó khăn cho DN. Chỉ tính từ giai đoạn 2008 – 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với DN trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%.
Doanh nghiệp dệt may kêu gặp nhiều khó khăn |
Mỗi lần tăng lương tối thiểu là chi phí nhân công tăng theo do doanh nghiệp phải bù thu nhập cho những người lao động mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn; Phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định của Chính phủ,
Từ 01/01/2016 các khoản trích nộp phải đóng thêm trên các khoản phụ cấp và từ 01/01/2018 sẽ đóng trên cả các khoản bổ sung khác, trong khi tỷ lệ đóng bảo hiểm, kinh phí của DN dệt may đã cao hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh (Bangladesh, Ấn Độ, Mianmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin, Mexico, Peru…)
“Tăng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao không những làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng đầu tư chiều sâu tăng NSLĐ để nâng cao thu nhập bền vững cho NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu công, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa do các DN không đủ nguồn lực để đầu tư mở rộng về các vùng nông thôn, thu hút lao động hiện đang có thu nhập chỉ bằng một phần lương tối thiểu vùng Nhà nước quy định” – đại diện Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh.
Thực tế, các DN thường trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng đã được qui định. Các khoản tăng thêm này được tính vào các loại phụ cấp. Khi lương tối thiểu vùng tăng. DN sẽ cắt giảm các khoản phụ cấp này. Nên về danh nghĩa thì lương tối thiểu vùng tăng nhưng thu nhập thực tế của người lao động không tăng.
Theo bà Bùi Phương Chi- Trưởng phòng công tác giới – Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương, thu nhập thực tế của đa số công nhân hiện nay còn thấp so với nhu cầu cơ bản của cuộc sống, không đủ để trang trải cho các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Theo kết quả điều tra khảo sát và tính toán của Viện Công nhân – Công đoàn cho thấy, nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ trong 2 năm 2015-2016 luôn thấp hơn mức lương tối thiểu từ 15-24%. Trong khi đó, DN có xu hướng chia cắt tiền lương, trả lương cho NLĐ xấp xỉ hoặc cao hơn chút ít so với mức lương tối thiểu. Bù vào đó là các khoản phụ cấp, trợ cấp khác như tiền chuyên cần, xăng xe, ăn trưa mà doanh nghiệp trả thêm cho NLĐ. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, DN sẵn sàng cắt giảm khoản phụ cấ ngoài lương để tiết kiệm chi phí sản xuất, khiến thu nhập của NLĐ bị giảm sút. Do đó, cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn và bấp bênh hơn.
“Lương thấp, kết quả là 88% công nhân phải đi làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Hiện nay, công nhân thích tăng ca không phải để tích lũy mà để đủ sống. Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương tăng ca, bớt thời gian sử dụng điện nước ở nhà trọ” – bà Bùi Phương Chi nêu thực tế.
Một điều cũng cần cân nhắc khi tính đến tăng lương tối thiểu là DN để vượt qua khó khăn họ sẵn sàng cắt giảm lao động. Trong lúc này, người lao động nếu mất việc thì khó khăn còn chồng chất hơn, bởi với họ thu nhập và việc làm có vai trò quan trọng như nhau.
Còn DN, họ rất sợ khi nói đến tăng lương. Bởi khi lương tối thiểu tăng sẽ kèm theo mức đóng bảo hiểm tăng. Ông Triệu Tuấn Phong (Giám đốc Công ty Xây dựng Hùng Mạnh) cho biết: “Việc năm nào cũng phải tăng lương cho người lao động theo quy định khiến chúng tôi hết sức lo lắng bởi ở đây không chỉ đơn giản là lo chi phí cho người lao động trong 1 tháng hay 1 năm mà là cả một quá trình lâu dài. Với tình hình khó khăn như hiện nay, chúng tôi không biết có đảm bảo doanh số để có thể trả lương cho người lao động theo đúng luật hay không. Rất có thể đợt tăng lương năm 2017 chúng tôi sẽ phải cắt giảm một số khoản phụ cấp của người lao động để họ chia sẻ khó khăn với công ty”.Cùng với nỗi lo giải bài toán chi phí để tăng lương, bà Nguyễn Thị Hảo (Công ty TNHH Thương mại Haco) cho biết, đợt tăng lương năm 2016, DN đã phải lỗi hẹn với người lao động tới 4 tháng bởi tình hình kinh doanh không cho phép doanh nghiệp tiêu tốn thêm bất cứ một khoản chi phí nào. “Khoản lương truy thu của lao động trong mấy tháng đầu năm chúng tôi còn chưa trả được. Nay lại phải tính toán lên phương án cho đợt tăng lương của năm tới. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn vốn của DN”.Ở một khía cạnh khác, ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tỷ lệ tăng lương tối thiểu (mỗi năm 15-17%) cách xa so với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Theo ông Shimon Tokuyam thì tỷ lệ này nên căn cứ vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của năm đó.
“Tỷ lệ tăng lương cao sẽ vượt quá khả năng cải thiện của doanh nghiệp, kìm hãm việc tuyển dụng thêm lao động, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn của doanh nghiệp” - Shimon Tokuyam nói.
Còn Hiệp hội Dệt may thì kiến nghị: Nhà nước nghiên cứu giãn thời gian tăng lương tối thiểu, từ 2017 không tăng hàng năm để tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển; để chuyển đổi cơ cấu giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ một cách hợp lý, sử dụng có hiệu quả thị trường lao động Việt Nam với trên 55 triệu người. Chỉ có như vậy mới có khả năng nâng cao được năng suất lao động quốc gia.
Cùng với đó, Hiệp hội cũng đề nghị được giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm về mức trước năm 2010. Hiệp hội Dệt may cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động VN không quy định trích nộp lên công đoàn cấp trên 35% từ khoản 2% kinh phí công đoàn hoặc chỉ quy định một tỷ lệ dưới 10%, số còn lại để lại cho công đoàn cơ sở cùng DN chăm lo đời sống cho NLĐ./.