Những ngày qua, câu chuyện chưa bố trí được nguồn để tăng lương cơ sở 2016 được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, lương gắn liền với cuộc sống, miếng cơm, manh áo của nhiều gia đình.
Theo ý kiến phân tích của nhiều chuyên gia, ngân sách của chúng ta không phải quá eo hẹp, khó khăn nếu chúng ta biết chi tiêu hợp lý. Thời gian qua, vấn đề sử dụng ngân sách trong đầu tư, phát triển không hiệu quả, lãng phí. Một trong những lãng phí dễ thấy nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản thất thoát, lãng phí lớn nhiều công trình chậm tiến độ, đội vốn gấp đôi, gấp ba lần, khi hoàn thiện lại không hiệu quả. Cùng với đó, một bộ máy hành chính quá cồng kềnh đã “ngốn” rất nhiều tiền của ngân sách cũng lại không hiệu quả.
Xác định chính xác vị trí việc làm sẽ dễ dàng tinh giản biên chế (ảnh Internet) |
Bài toán sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, về con người cần những giải pháp quyết liệt, mềm dẻo, để người làm việc thực sự được trả lương xứng đáng, để công việc “chạy” hơn và nhất là không phải rơi vào tình huống “thắt lưng buộc chặt bụng”.
Giải pháp hàng đầu đối với bộ máy hành chính hiện nay là tinh giản biên chế. Trao đổi với VOV.VN, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Tinh giản được tiến hành bằng nhiều giải pháp như phân loại, đánh giá, tự xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu phê duyệt mà không thực hiện đúng chỉ tiêu đó là không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn phải tiến hành xác định vị trí việc làm trên cơ sở căn cứ phù hợp để tính toán biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan tổ chức, phù hợp khối lượng công việc cũng như phạm vi quản lý của từng cơ quan, tổ chức.
Theo ông Trần Anh Tuấn, với cách làm này, tổng biên chế năm 2015 giảm được 1,5% từ trung ương đến địa phương. Các đối tượng tinh giản chủ yếu là về hưu, thôi việc và những người nằm trong diện tinh giản biên chế theo Nghị định 108. Sau khi tinh giản số người thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định 108, số người giải quyết theo chế độ thôi việc hoặc nghỉ hưu thì việc tuyển dụng được thực hiện theo cách “ra 2 vào 1” (nghĩa là nếu về hưu, thôi việc được 10 người thì chỉ được tuyển vào 5 người). “Cách làm này góp phần vào giải pháp giảm chi thường xuyên, quản lý chặt chẽ chi tiêu công”- ông Trần Anh Tuấn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, biên chế từ nay đến 2016 về cơ bản là giữ ổn định.
“Trong điều kiện thắt chặt chi tiêu công thì có nhiều giải pháp trong đó có vấn đề tinh giản biên chế cũng là một trong những giải pháp rất quan trọng bổ sung cho việc thực hiện bộ máy tinh gọn” – ông Trần Anh Tuấn nói.
Để bố trí nguồn vốn chi trả cho con người, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, các giải pháp thắt chặt chi tiêu công đây cũng là giải pháp đã được thực hiện từ đầu năm 2015. Ngay từ đầu năm Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành chỉ thị 06. Trong chỉ thị này yêu cầu các Bộ, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên, trừ phần chi cho con người và tạm thời để đó chưa được sử dụng. Trong tháng 9, Bộ Tài chính trình Thủ tướng trong giải pháp điều hành ngân sách đến cuối năm, đã đề nghị sử dụng 10% chi thường xuyên đã cắt giảm với bộ, ngành (là 650 tỷ đồng). Tạm thời chưa sử dụng dự phòng 3.500 tỷ. Phần dự phòng này cũng để bù đắp cho phần hụt thu do những nguyên nhân biến động của giá dầu trên trường quốc tế.
“Chính phủ cũng đã có chỉ đạo rà soát và tinh giản biên chế. Đây cũng là giải pháp để bộ máy tinh gọn, từ đó cắt giảm phần chi hành chính, chi cho bộ máy. Đây là giải pháp đã được Bộ Tài chính thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ” – bà Vũ Thị Mai cho biết thêm.
Được biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, vấn đề bố trí tăng lương cơ sở 2016 cũng đã được các thành viên Chính phủ đưa ra bàn bạc thận trọng. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016./.