Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân trong cả nước lại tăng cao. Lợi dụng nhu cầu đi lại của người dân tăng, nhiều xe dù, xe không đảm bảo an toàn đã được đưa vào phục vụ khách, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về nguyên nhân cũng như một số giải pháp triển khai để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.

**Thưa ông, cứ vào dịp lễ, tết, dịp 2/9 thì lưu lượng hành khách đi lại rất đông, tình trạng vi phạm an toàn giao thông, tai nạn giao thông cũng gia tăng. Vậy Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có biện pháp gì để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông, cũng như tình trạng ùn tắc giao thông có thể xảy ra, đặc biệt là tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh?

- Rút kinh nghiệm các kỳ nghỉ lễ hàng năm, đặc biệt là dịp 2/9 năm nay, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi các bộ ngành trung ương và Ban an toàn giao thông các địa phương về việc tăng cường tuần tra kiểm soát và đảm bảo an toàn giao thông.

Chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trước hết tăng cường tuần tra kiểm soát, trong đó công an và thanh tra giao thông tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, tăng cường tuần lưu, hạn chế đóng chốt trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ trọng điểm, các khu có các hoạt động vui chơi giải trí đều phải có lực lượng.

Thứ 2 là các địa phương, đặc biệt là các địa phương có các hoạt động khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ phải có lực lượng hướng dẫn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông ngay tại địa phương mình.

Thứ 3 là tăng cường tuyên truyền đến người tham gia giao thông, trong đó tập trung đặc biệt vào lực lượng lái xe chở khách để tránh tình trạng nhồi nhét khách.

Đối với xe khách, xe tải nặng, xe container, phải tăng cường kiểm tra kiểm soát. Chúng tôi cho rằng những biện pháp này rất tức thời nhưng cũng mang tính chất lâu dài để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ.

** Thưa ông, trong chỉ thị của Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cần phải có các biện pháp cứng rắn để giảm tình trạng ùn tắc và các vụ tai nạn giao thông. Nếu địa phương nào vi phạm thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Vậy Uỷ ban an toàn giao thông đã triển khai định hướng này của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đến các địa phương như thế nào?

- Vừa rồi chúng tôi đã đi kiểm tra một loạt các địa phương về các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hoạt động kinh doanh vận tải, cũng đã nhắc nhở các địa phương về các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp 2/9, dịp học sinh tựu trường và cả dịp mưa lũ sắp tới.

Trong đó, Bộ Công an đi kiểm tra 32 địa phương. Bộ Giao thông vận tải có 7 thứ trưởng đi kiểm tra 21 địa phương.

Thực tế, dịp 2/9 thì tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong khu vực nội đô không có vấn đề gì lớn, vì người dân có xu hướng đổ về quê hoặc đi du lịch. Vấn đề là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ, ngày 31/8 là ngày cao điểm về và ngày 2/9 là ngày cao điểm lên.

Như vậy phải tăng cường lực lượng hướng dẫn, kiểm soát ở các cửa ngõ 2 thành phố này ngoài đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn phải đảm bảo an ninh xã hội.

Các tổ công tác liên ngành 141 tại Hà Nội cũng như tại thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường lực lượng chốt trạm để chống đua xe trái phép, chống các đối lượng lợi dụng dịp lễ tết 2/9 này để quấy phá gây mất trật tự an toàn giao thông.

** Thưa ông, từ đầu năm tới nay, số người chết và số vụ tai nạn giao thông, số người bị thương có chiều hướng gia tăng. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, đặc biệt là thời gian trước Tết Nguyên đán. Vậy Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có biện pháp mạnh gì để hạn chế thấp nhất số người thiệt mạng cũng như bị thương trong các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

- Trong 8 tháng đầu năm, số vụ tai nạn và số người bị thương có giảm, xấp xỉ 10%. Đây là một nỗ lực rất lớn, tuy nhiên, số người chết lại tăng.

Cụ thể trong 8 tháng đầu năm, số người chết cho tai nạn giao thông tăng 197 người so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng 3,5%.

Với mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay giảm 5% cả 3 tiêu chí thì rõ ràng những tháng cuối năm cần phải có nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như quyết tâm của các lực lượng.

Từ nay đến cuối năm, để đạt được mục tiêu đó, có 3 nhóm giải pháp chính cần triển khai. Trong quản lý vận tải thì tập trung nhiều vào các xe thường gây tai nạn thảm khốc. Đó là nguyên nhân khiến số người chết tăng trong năm 2013 này. Cần tập trung vào quản lý các loại xe chở khách, xe tải nặng và xe container cũng như quản lý vận tải.

Trong đó, chúng tôi có chiến dịch kiểm soát những người uống bia rượu trong tham gia giao thông. Thứ 2 là chiến dịch kiểm soát ma tuý đối với người tham gia giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm. Thực tế là khi nào chúng ta ra quân rầm rộ thì tai nạn lại giảm. Thứ 3 cần tập trung là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, ở đây thì tập trung nhiều vào đội ngũ quản lý, lãnh đạo ở các địa phương, và đồng thời tăng cường giáo dục cho những người tham gia giao thông. Các hoạt động cho người tham gia giao thông đã được triển khai. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung vào một số nhóm đối tượng như học sinh sinh viên, thanh niên./.

** Xin cảm ơn ông!