Hơn 40 năm nay bà vẫn coi chị như con đẻ của mình, nhưng tình mẫu tử luôn khiến bà day dứt. Khi sức khỏe đã yếu, bà khao khát muốn tìm lại đứa con đẻ của mình và tìm cha mẹ ruột cho cô con gái nuôi với niềm hi vọng mong manh.
Sự nhầm lẫn hi hữu
Mấy ngày nay, trên nhiều diễn đàn mạng liên tục chia sẻ câu chuyện xúc động về một gia đình ở Hà Nội bị thất lạc đứa con ruột thịt của mình hơn 40 năm vì bị nhầm lẫn ở nhà hộ sinh. Theo đó, một trang facebook cá nhân chia sẻ rằng: "Tìm con gái bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội. Tôi tên: Nguyễn Thị Mai Hạnh, ngày 10-10-1974 tôi sinh con gái ở nhà hộ sinh Ba Đình, địa chỉ ngõ Phan Ích Huy, Ba Đình, Hà Nội (nay là nhà hộ sinh 12 Lê Trực).
Chị Trang và mẹ nuôi của mình. |
Các cháu sau khi sinh được đánh số vào chân cùng một số với mẹ. Tôi được đánh là số 33 nhưng khi nhận con tôi lần đầu thì lại là cháu 32, lúc đó tôi và gia đình cũng biết là đã nhận nhầm con, và có đi tìm lại nhưng không thấy, các y tá bác sĩ nói là do lúc đi tắm bị mờ số nên nhận nhầm. Do vậy tôi rất mong gia đình nào có con gái sinh tại thời điểm trên hoặc nhận con gái số 33 của tôi thì vui lòng liên hệ với tôi qua thông tin trên. Rất mong được gặp lại con gái do mình mang nặng sinh ra".
Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ đã nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng. Câu chuyện tưởng chỉ xuất hiện trong phim lại đang diễn ra ngay tại Hà Nội, khiến ai nghe cũng phải rơi nước mắt bởi tấm lòng của người mẹ ấy dành cho đứa con nuôi và khát khao tìm lại đứa con đẻ của mình.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 10-10-1974, là ngày mà bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (SN 1952) sinh một bé gái xinh xắn, đáng yêu tại nhà hộ sinh Ba Đình, ngõ Phan Ích Huy, Hà Nội, nay ở số 12 Lê Trực. Đó là cái ngày định mệnh khi có tới hơn chục người cùng đến sinh con ở nhà hộ sinh. Thông thường, những đứa bé sơ sinh sẽ được các y tá ghi một con số trùng với mẹ vào lòng bàn chân để phân biệt. Bà Hạnh và con đều được ghi số 33.
Tuy nhiên, khi y tá trao con, bà Hạnh nhận ra sự bất thường ở con số ghi trong lòng bàn chân của đứa trẻ. Lúc đó, người y tá này nói rằng đó là số 33, nhưng khi em bé đi tắm đã mờ mất dấu móc ở dưới, vì vậy nhìn như số 32. Lúc ấy bà Hạnh có nghi ngờ mà bảo với chồng rằng, đây không phải con gái mình, nhưng ông khuyên bà "tìm hiểu làm gì, nhầm rồi thì nuôi. Mình nuôi con người tốt thế nào, họ cũng nuôi con mình tốt như vậy", nên dù vẫn canh cánh trong lòng không yên và vẫn nghi ngờ rằng đứa bé này không phải con đẻ của mình, bà Hạnh vẫn đưa đứa trẻ về nuôi.
Vài ngày sau, bà Hạnh ôm con quay lại phòng hộ sinh và trao đổi nghi vấn. Nhưng vì sợ nếu không tìm thấy con đẻ của mình, các bác sĩ sẽ giữ đứa bé lại, nên cuối cùng bà quyết định nuôi nấng, yêu thương, chăm sóc đứa bé như con ruột và coi đó là món quà, là "nhân duyên" mà ông trời mang đến cho vợ chồng bà.
Ông bà đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang và yêu thương chị hết mực. Cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả nhưng từ nhỏ, chị Trang đã chẳng phải làm việc gì nặng nhọc. Hơn 40 tuổi chị vẫn được mẹ lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Tốt nghiệp cấp ba, không thi đại học rồi lập gia đình, chị Trang được mẹ cho nhờ cậy cửa hàng để kiếm sống. Năm 1993, chị Trang lấy chồng và hiện có 3 người con. Chị làm nghề bán hàng ăn buổi sáng tại cửa hàng của gia đình (số 75 Quán Thánh - ngã tư Quán Thánh - Đặng Dung).
Ngay từ nhỏ, chị Trang đã có điểm không giống các anh chị em trong gia đình. Càng lớn, sự khác biệt càng rõ. Anh em, họ hàng, thậm chí hàng xóm cũng tỏ vẻ nghi ngờ vì những điểm khác biệt của chị. Những lời gièm pha của người đời khiến bà Hạnh còn bị nhà nội nghi ngờ, họ hàng đặt điều nói rằng bà có quan hệ với người đàn ông khác khiến bà vô cùng khổ tâm. May mắn cho bà có người chồng tâm lý luôn ở bên cạnh động viên, an ủi bà, bởi mọi chuyện xảy ra ở nhà hộ sinh năm ấy, ông đều biết và đều ở bên cạnh bà chia sẻ.
Nhận thấy sự khác biệt của chị Trang, họ hàng nhiều lần khuyên bà nên đưa con đi xét nghiệm nhưng bà và các con đều nhất quyết không nghe. Dù nghi ngờ nhưng bà đều giấu kín tâm sự trong lòng. Sau này, bà Hạnh cũng đã đến phòng hộ sinh tìm lại những gia đình từng sinh ngày đó để mong muốn có cơ hội tìm lại đứa con thất lạc nhưng do hồ sơ quá lâu rồi nên tất cả đều đã bị hủy hết.
Mong muốn tìm lại con
Thế nhưng giờ đây, do sức khỏe đã yếu, bà Hạnh càng khao khát tìm lại đứa con gái ruột của mình nên bà đã âm thầm đi làm xét nghiệm ADN. Dù linh tính mách bảo chị Trang không phải con ruột mình bao năm nay, nhưng bà vẫn tự an ủi ngoại hình chị Trang không giống với ba đứa con khác của bà nhưng có thể hao hao những người họ hàng, nên bà hi vọng những linh cảm của mình là sai. Nhưng khi cầm kết quả ADN trên tay, biết được sự thật, bà khóc như mưa.
Chị Thu Trang (thứ hai từ trái sang) cùng 3 người con của bà Hạnh. |
Phải đắn đo suy nghĩ nhiều lắm, bà Hạnh mới quyết định nói ra sự thật mà bà đã giấu kín suốt 40 năm qua. Đúng ngày sinh nhật lần thứ 41 của chị Trang, tức là ngày 10-10-2015, bà Hạnh quyết định công bố tờ xét nghiệm ADN, rằng chị Trang không phải là con đẻ của bà. Sự thật ấy khiến mọi người trong gia đình đều sốc. Các con bà đều không thể tin rằng, người em gái, chị gái sống cùng gia đình hơn 40 năm lại không phải là chị, em ruột của mình.
Nghe tin ấy, chị Trang cũng khóc nhiều lắm. Chị bảo, ngày còn nhỏ, chị hay bị bạn bè trêu trọc, hàng xóm bàn tán nhưng chẳng bao giờ tin vì bố mẹ và anh chị quá yêu thương mình. Chị vẫn hi vọng rằng đó là lời nói đùa của mẹ. "Lúc đó, tôi thực sự giận mẹ nhiều lắm vì tại sao lại nói ra sự thật đau lòng ấy, nhưng rồi được chồng, con và các chị em khuyên nhủ, tôi hiểu rằng, mẹ chỉ muốn tôi biết sự thật về gốc gác mình, còn tình cảm mà bà và gia đình dành cho tôi vẫn không hề thay đổi.
Sau lần ấy, bà vẫn yêu thương, chăm sóc mẹ con tôi, thậm chí còn gần gũi, động viên, an ủi nhiều hơn. Bà nói: "Con phải chấp nhận vì đó là sự thật. Ông trời đã se duyên để con đến bên mẹ, làm con của mẹ. Dù là con đẻ hay không, mẹ vẫn luôn yêu con. Bố mẹ đẻ của con không có lỗi, bản thân họ cũng không biết sự nhầm lẫn này".
Phải mất vài tháng cuộc sống của gia đình bà Hạnh mới cân bằng trở lại. Dù có nhiều xáo trộn, nhưng vẫn không hề thay đổi được tình cảm họ dành cho nhau, bởi "công sinh không bằng công dưỡng", dù gì họ cũng đã sống và yêu thương nhau hơn 40 năm nay. Thế nhưng họ vẫn khát khao tìm lại đứa em ruột bị trao nhầm. Còn chị Trang cũng mong muốn tìm lại gia đình thực sự, tìm được bố mẹ đẻ để sau này bản thân không phải nuối tiếc.
"Không biết hiện giờ cha mẹ đẻ của tôi ở đâu, còn sống hay chết, người mà bị nhầm với tôi có cuộc sống như thế nào. Có được vui vẻ hạnh phúc như tôi hay không?", chị Trang vừa khóc vừa nói. Gia đình chồng chị biết chuyện, ai cũng mong muốn và hi vọng chị tìm được cha mẹ đẻ của mình. Còn các thành viên trong gia đình bà Hạnh cũng sẵn sàng đi tìm người em gái bị thất lạc và gia đình của chị Trang nếu có thông tin. Chúng tôi biết có nhiều trường hợp người thân tìm được nhau qua mạng xã hội, dù lưu lạc hàng chục năm trời, nên hi vọng rằng qua những bài báo, qua sự chia sẻ thông tin của cộng đồng mạng, bà Hạnh và chị Trang sẽ có được một kết thúc có hậu nhất./.
Sau khi thông tin về vụ việc được báo chí đưa tin, nhiều cơ quan đoàn thể như Công an thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội... đã lập tức tham gia giúp đỡ hết sức nhiệt tình. Đại tá Nguyễn Trọng Thái, Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, ở trên đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh quận, đơn vị này đã nghiên cứu, báo cáo cấp trên để xem xét giúp đỡ gia đình bà tìm kiếm người con thất lạc.
Bước đầu, trên cơ sở thông tin báo chí phản ánh, cơ quan Công an đã cử một tổ công tác tới gặp gia đình chị Tạ Thị Thu Trang để trao đổi, nắm bắt thông tin, nguyện vọng để giúp họ tìm kiếm người thân. Mới đây, nhờ sự giúp đỡ nói trên gia đình bà Hạnh đã tìm được 3 nữ hộ sinh làm việc tại nhà hộ sinh khi xưa và có được danh sách những người sinh cùng ngày với chị Tạ Thị Thu Trang.