Đầu năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa tiến cử 6 vị tăng sĩ tình nguyện tham gia làm phật sự tại các chùa trên huyện đảo Trường Sa- với mong muốn đem hơi ấm nghĩa tình đến với quân và dân trên đảo. Trở về sau 6 tháng làm phật sự tại đảo Trường Sa lớn, đại đức Thích Giác Nghĩa- một trong 6 chư tăng tình nguyện ra đảo Trường Sa mang trong mình nhiều cảm xúc, tình cảm và cả những trăn trở với tâm niệm được tiếp tục quay trở lại Trường Sa.

truong-sa.jpg
Các nhà sư và nhân dân trên quần đảo Trường Sa làm lễ cầu siêu.

Đại đức Thích Giác Nghĩa đang trụ trì tại chùa Vạn Đức và chùa Phước Trí – thành phố Nha Trang, sau 3 chuyến đến với Trường Sa cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, đã để lại trong ông nhiều ấn tượng và tình cảm đặc biệt đối với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cũng từ đó, ông  mong muốn được quay trở lại nơi này, với tâm niệm vun đắp thêm đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo và thể hiện trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Đại đức Thích Giác Nghĩa, chia sẻ: “Trong quá trình chúng tôi tu học trên đảo Trường Sa hàng ngày chúng tôi lạy phật. Sở dĩ chúng tôi phát nguyện lạy 1 ngày gần 1000 lạy để hồi hướng về sự bình yên cho quốc gia cầu nguyện cho đất nước thanh bình nhân dân được an cư lạc nghiệp. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho quân và dân trên đảo Trường Sa luôn luôn bình yên để vững tay súng, vững lý tưởng bảo vệ mảnh đất thiêng liêng”.

Trái bàng vuông, viên đá trắng ở Trường Sa, lá quốc kỳ và lá cờ phật giáo được treo trên đảo, tất cả đều được Đại đức Thích Giác Nghĩa trân trọng, lưu giữ như những báu vật thiêng liêng và quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Những câu chuyện thường nhật trên đảo, những tấm ảnh lưu niệm về tình cảm của quân và dân dành cho chư tăng và nghĩa tình nơi đảo xa gửi gắm cho đất liền được ông say sưa kể lại cho Phật tử.

Ông Nguyễn Văn Mến- Phật tử tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi vẫn biết rằng Trường Sa là một mảnh đất không thể tách rời của Việt Nam. Thầy đã đem lời kinh, tiếng chuông tiếng mõ để nói với thế giới rằng mảnh đất Trường Sa là mảnh đất của quê hương Việt Nam, nơi nào có quê hương Việt Nam”.

Còn Ông Nguyễn Văn Tắc- Phật tử tại thành phố Nha Trang, tâm sự: “Qua câu chuyện của Đại đức Thích Giác Nghĩa chúng tôi thấy rằng tình cảm của quân và dân ở huyện đảo Trường Sa luôn luôn 1 lòng giữ gìn mảnh đất quê hương của chúng ta và coi đó là một phần máu thịt của họ, rất cảm động”.

Ngoài 40 tuổi đời và hơn 30 năm xuất gia, đối với Đại đức Thích Giác Nghĩa, làm phật sự tại đảo Trường Sa là chuyến đi ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông. Bởi ông không chỉ làm tròn nhiệm vụ của Phật giáo giao phó mà còn thể hiện trách nhiệm, tình cảm đối với quê hương, đất nước của một người con Việt Nam. Cũng chính vì lẽ đó mà không quá bất ngờ khi ông tiếp tục viết đơn tình nguyện quay trở lại Trường Sa làm công tác Phật sự để tiếng chuông chùa sẽ mãi vang xa trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.